Trên thế giới, dòng sách fantasy (hay còn gọi là hư cấu – kỳ ảo) luôn là một trong những dòng sách có đông độc giả nhất. Câu chuyện về những anh hùng, hiệp sỹ thời trung cổ; sống trong một thế giới của phép thuật, các pháp sư, những sinh vật huyền bí đầy sức mạnh luôn có sức hấp dẫn đầy mê hoặc. Một số tác giả của dòng văn học này như J.R.R.Tolkien với thế giới Trung địa trong Chúa tể những chiếc nhẫn, hay gần đây là J.K. Rowling với Harry Potter được xem là những tác giả lớn, giàu ảnh hưởng với lịch sử văn học.

Tại Việt Nam, dòng văn học này khá kén người viết vì nó cực khó, tác giả gần như phải sáng tạo ra cả một thế giới với hệ thống nhân vật, ngôn ngữ và những dấu hiệu riêng, chưa kể hàm lượng tri thức, triết học, tôn giáo trong mỗi tác phẩm thể loại này vô cùng đồ sộ. "Chuyện xứ Lang Biang" của Nguyễn Nhật Ánh có thể coi là đã chạm phần nào tới thể loại fantasy – kỳ ảo này.

Thế nhưng vừa qua xuất hiện một tiểu thuyết lạ mang tên “Thần chiến triều Trần”, bộ truyện kết hợp yếu tố kỳ ảo với lịch sử, xen lẫn cả kiếm hiệp theo phong cách Kim Dung. Đây là cuốn sách lấy bối cảnh lịch sử thời Trần, xoay quanh nhân vật Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và những trận chiến với các vị thần tiên, ma quỷ có ảnh hưởng lên cả Lục Đạo Luân hồi.

Phóng viên VOV2 đã có cuộc trò chuyện với tác giả Vũ Phiên về bộ tiểu thuyết thú vị này.

Nghe âm thanh cuộc trao đổi tại đây

Phóng viên: Xin chào tác giả Vũ Phiên. Cuốn sách “Thần chiến triều Trần” là một cuốn rất lạ trên thị trường văn học hiện nay, vừa khai thác yếu tố lịch sử - thời nhà Trần, đặt trong bối cảnh vùng núi Tây Bắc, lại có yếu tố kỳ ảo. Từ động lực nào khiến anh sáng tác nên bộ sách này?

Vũ Phiên: Bộ truyện “Thần chiến triều Trần” này không chỉ có bối cảnh vùng Tây Bắc mà còn về toàn bộ nước Việt rất đa dạng sắc dân tộc, đoàn kết trong khối vững chắc. Tây Bắc chỉ là phần đầu cuốn truyện, từ đó chúng ta sẽ trở về Thăng Long cổ xưa. Tập 2 sẽ đưa các độc giả đến với kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành.

Bộ truyện này còn kết hợp cả các yếu tố kỳ ảo, phép thuật, tâm linh, cả những yếu tố văn hóa tín ngưỡng tâm linh của một số dân tộc ít người của Việt Nam nữa. Những yếu tố đó hòa trộn vào để thể hiện một bản sắc Việt Nam rõ ràng trong thế giới tưởng tượng riêng của tôi.

Về việc bộ truyện này hình thành thế nào thì ai trong chúng ta cũng có một ước mơ thuở bé. Tôi rất thích đọc sách, ước mơ của tôi là tưởng tượng và viết ra những câu chuyện của riêng mình. Trưởng thành hơn một chút lại đọc những tác phẩm kiếm hiệp đầy màu sắc của Kim Dung… thì ước mơ đấy vẫn được nuôi dưỡng dần.

Vấn đề là tôi duy trì, biến được ước mơ thành thói quen viết. Đến thời điểm này thì tập đầu tiên của bộ sách đã ra đời, và rất may nhận được những phản hồi tích cực của độc giả.

Lúc ban đầu tôi chỉ định viết thể loại fantasy thôi. Nhưng rồi có một ý tưởng nảy ra trong đầu, hồi tôi bắt đầu viết tôi chưa giỏi lịch sử đâu, nhưng rồi nghĩ sao mình không kết hợp 2 thể loại này với nhau. Mình vừa viết vừa học được những kiến thức có ích cho mình sau này. Đó là nguyên cớ nảy sinh ra bộ truyện như hiện nay.

Phóng viên: Anh nói rằng, bộ truyện này là ước mơ được vun đắp từ rất lâu của anh. Khi anh bắt đầu viết những dòng đầu tiên cách đây bao lâu? Việc hình thành nên một thế giới, trong đó có cả những nhân vật có thật trong lịch sử lẫn những nhân vật anh sáng tạo ra… diễn ra trong bao lâu? Có dấu mốc nào trong việc tạo lập nên thế giới tưởng tượng đó không?

Vũ Phiên: Việc viết tôi bắt đầu từ khá lâu rồi, nhưng để thực sự khởi sự với bộ “Thần chiến triều Trần” này là cách đây 7 năm (từ 2013). Khi bộ sách này xuất bản hoàn thiện chắc cũng phải 2,3 năm nữa; như vậy tổng cộng là 10 năm. Hiện tại Việt Nam không có nhiều bộ truyện thế này nên tôi sẽ cố gắng hoàn thành.

Còn về việc hình thành thế giới hệ thống các nhân vật thì nó cũng đến rất tự nhiên. Thời Trần là thời kỳ rất rực rỡ của phong kiến Việt Nam. Khi tìm hiểu về thời kỳ đó thì có rất nhiều nhân vật hay và câu chuyện thú vị có thể khai thác. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là một nhân vật rất nổi bật trong đó.

Khi đọc Đại Việt Sử kí toàn thư thì tôi tình cờ đọc được câu chuyện Chiêu Văn Vương đi chiêu hàng Trịnh Giác Mật, một chuyện được ghi trong chính sử nhưng mang hơi hướng phiêu lưu và bí ẩn, nên tôi chọn câu chuyện đó để mở đầu cho truyện của mình.

Câu chuyện đấy cũng như bộ truyện của tôi kết hợp được 2 yếu tố: lịch sử và bí ẩn. Tôi chọn Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật làm nhân vật chính, từ đấy xây dựng nên thế giới các nhân vật xung quanh.

Phóng viên: Như anh nói thì câu chuyện này sau đó sẽ còn mở rộng ra toàn nước Việt Nam. Những trận chiến đó có căn cứ vào yếu tố lịch sử có thật không? Cuốn sách nói đến rất nhiều địa điểm như thế thì quá trình thực tế, thu thập tư liệu của anh tiến hành thế nào?

Vũ Phiên: Mỗi nhà văn sẽ có một phương pháp khác nhau. Về cơ bản thì lịch sử phải có sự tìm hiểu kỹ càng, không thể nói khơi khơi được!

Mặc dù câu chuyện của tôi đầy tính tưởng tượng, rất fantasy bay bổng nhưng vẫn sẽ dựa trên nền các sự kiện lịch sử. Ví dụ đầu truyện là sự kiện Chiêu Văn Vương đi hàng Trịnh Giác Mật được ghi rõ trong Đại Việt Sử kí toàn thư, từ đấy tôi phát triển thêm.

Về bản chất, bộ truyện này xoay quanh những sự kiện lịch sử trong giai đoạn quân Nguyên Mông xâm chiếm Đại Việt lần 2 và 3. Tôi cố gắng lấy tưởng tượng của mình để lấp những khoảng trống mà lịch sử chưa ghi rõ.

Ví dụ Thoát Hoan mang quân sang đánh Đại Việt, theo ông ta là những tướng như thế này… nhưng bài binh bố trận ra sao hoặc những chi tiết khác thì cũng chưa được khai thác cụ thể. Đấy là nơi các nhà văn có thể thoải mái sáng tạo.

Đối với các nhà văn dã sử hoặc lịch sử thì họ sẽ sáng tạo trong khuôn khổ nhất định. Còn tôi, với dòng fantasy tôi có thể sáng tạo tự do hơn, thậm chí sáng tạo ra một thế giới to hơn bao trùm thế giới đã có sẵn.

Nhưng thế giới to hơn đấy cũng không thể sáng tạo tùy tiện, nó phải dựa trên Thuyết Lục Đạo Luân hồi của Phật Giáo, tôn giáo đỉnh cao vào thời Trần, kết hợp các yếu tố xây dựng thế giới của Đạo Giáo và cả Đạo Mẫu của VN nữa, tất cả lồng ghép vào nhau và phải làm sao cho logic. Cái khó nhất là đạt được độ logic đấy.

Phóng viên: Hỏi câu này có lẽ hơi khó với anh: khi một tác giả đã sáng tác ra một thế giới với hệ thống nhân vật đồ sộ như thế thì cá nhân anh, anh thích nhân vật nào nhất trong bộ truyện của mình?

Vũ Phiên: Thực ra ai cũng có yêu ghét rõ ràng, kể cả đấy là đứa con tinh thần của mình. Bản thân cách sáng tác của tôi là cố gắng để cho các nhân vật tự thể hiện mình, tức là tôi tưởng tượng ra cá tính của nhân vật sau đó để nhân vật phát triển và hành động với cá tính đấy, nên mỗi nhân vật sẽ lại có cá tính riêng và khác nhau.

Vấn đề là, các nhân vật lịch sử có tính cách khá rõ ràng theo đúng chuẩn mực lịch sử, không có gì đột phá. Vì thế nhân vật tôi thích nhất là nhân vật do tôi tự sáng tạo nên là Bạc Nương.

Ai đọc truyện rồi sẽ biết, Bạc Nương là cô gái người Man, một cô bé ở miền Tây Bắc mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng lại sở hữu phép thuật ẩn giấu khá phi thường. Hành trình của Bạc Nương trong truyện cũng là từ một cô bé thiếu niên thành một phụ nữ trưởng thành, biết quan tâm đến người khác, trưởng thành cả về ngoại hình lẫn tinh thần.

Theo dõi một nhân vật như thế bản thân mình cũng cảm thấy gắn bó, và đấy là nhân vật tôi thích nhất.

Phóng viên: Nhiều nhà văn khi sáng tác thì họ bị ảnh hưởng bởi tính cách của những người bạn, người thân sống xung quanh họ. Cá nhân anh có đưa nét tính cách của bạn bè anh vào nhân vật nào không?

Vũ Phiên: Chắc chắn là có rồi! Những nhân vật trong tác phẩm, từ tính cách, trí tuệ, đặc điểm… đều không vượt qua được trải nghiệm của tác giả. Bản thân tôi cũng thích đọc sách, cũng thích xem phim nhiều, trải nghiệm với nhiều nên giúp tôi đưa được những nét tính cách đa dạng vào tác phẩm.

Phóng viên: Xin cảm ơn anh về những chia sẻ vừa rồi!

Ảnh trong bài viết do tác giả cung cấp.