Tại ngày hội Tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp diễn ra sáng 17/5, ĐHQG Hà Nội công bố chi tiết Chương trình ươm tạo tài năng từ bậc THPT tại ĐHQG Hà Nội (Chương trình VNU 12+).

PGS.TS Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, mô hình đào tạo tài năng THPT liên thông đại học đang được các nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới triển khai như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Mô hình đào tạo tài năng THPT liên thông đại học cũng là bước đầu để học sinh có học lực giỏi theo đuổi các ngành khoa học cơ bản, các ngành công nghệ nền tảng trong và ngoài nước. Đây cũng là lý do ĐHQG Hà nội xây dựng thí điểm Chương trình ươm tạo tài năng từ bậc trung học phổ thông tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo ông Phạm Bảo Sơn, chương trình VNU 12+ nhằm phát hiện, thu hút, đào tạo và hướng nghiệp sớm cho học sinh THPT có tiềm năng, năng lực, tài năng thuộc ĐHQG Hà nội thông qua việc lựa chọn, tư vấn ngành nghề và tạo điều kiện cho học sinh đăng ký học sớm (học trước) một số học phần trong các chương trình đào tạo trình độ đại học phù hợp với hướng nghề nghiệp tư vấn cho học sinh.

“Việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp và học sớm của từng học sinh sẽ được tổ chức theo hình thức cá thể hóa đào tạo với sự hướng dẫn trực tiếp của giảng viên có trình độ và uy tín của ĐHQG Hà Nội. Trong quá trình học sớm, học sinh có thể tham gia nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cùng giảng viên hướng dẫn hoặc nhóm nghiên cứu của giảng viên hướng dẫn”, PGS.TS Phạm Bảo Sơn cho biết.

Học sinh đăng ký học tích lũy tối thiểu 3 học phần chương trình đại học

Liên quan đến điều kiện đăng ký theo học chương trình VNU 12+, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban đào tạo ĐHQG Hà Nội cho biết, trước mắt, chương trình VNU 12+ dành học sinh hệ THPT chuyên và học sinh hệ không chuyên thuộc khối các trường THPT của ĐHQG Hà Nội.

Để tham gia Chương trình VNU 12+, học sinh đáp ứng một trong các điều kiện: Đã và đang là thành viên đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển của đơn vị; Đạt giải trong kỳ thi Olympic bậc THPT tại ĐHQG Hà Nội môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển của đơn vị (đối với học sinh THPT chuyên) hoặc Đạt giải ba trở lên trong kỳ thi Olympic bậc THPT do ĐHQG Hà Nội tổ chức; Kết quả học tập trong năm học lớp 10 (đối với học sinh THPT chuyên) hoặc kết quả học tập trong năm học lớp 10 và học kỳ I lớp 11 (đối với học sinh THPT không chuyên) đạt mức tốt và có năng lực ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo.

Nếu không đáp ứng được các điều kiện "cứng", theo ông Nguyễn Anh Tuấn, học sinh nào được giáo viên, các nhà khoa học của ĐHQG Hà Nội đánh giá có năng khiếu học tập ở lĩnh vực nào đó và được giáo viên bảo lãnh thì cũng có thể tham gia đăng ký học sớm chương trình đại học.

Về quyền lợi khi học trước chương trình đại học, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, học sinh sẽ trực tiếp được giáo viên, giảng viên hướng dẫn hoặc có thể đề xuất giáo viên hướng dẫn. Giáo viên sẽ tư vấn cho học sinh học sớm một số học phần trong chương trình đại học. Trong đó, học sinh phải đăng ký tối thiểu 3 học phần trong đó 2 học phần thuộc kiến thức ngành.

“Nếu có kết quả học tập tốt các học phần tích lũy, học sinh của chương trình VNU12+ sẽ được ĐHQG Hà Nội ưu tiên xét tuyển vào học các chương trình bậc đại học”, ông Tuấn thông tin.

Dự kiến, ĐHQG Hà Nội sẽ tổ chức tuyển sinh Chương trình ươm tạo tài năng 2 lần/năm vào tháng 5 và tháng 11. Khi trúng tuyển việc học tập của học sinh sẽ được giáo viên tư vấn để có thể học theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, giao bài tập…

“Đánh giá kết quả học tập cũng sẽ được tổ chức linh động, học sinh có thể thi cùng sinh viên hoặc cơ sở đào tạo có thể lập tiểu ban để đánh giá riêng”, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Việc tuyển chọn học sinh tham gia chương trình vào học sớm các chương trình đào tạo trình độ đại học được thực hiện theo hình thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với phỏng vấn. Ngoài ra, cơ sở đào tạo có thể xây dựng thêm một số tiêu chí phụ hoặc phỏng vấn để lựa chọn học sinh trong trường hợp môn học/chương trình có những yêu cầu đặc thù hoặc số lượng thí sinh đăng ký quá lớn. Những học sinh được giảng viên tham gia chương trình giới thiệu được ưu tiên khi xét tuyển.

Chia sẻ tại ngày hội Tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, Trường Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn đã triển khai tư vấn, định hướng học sinh học sớm một số tín chỉ/học phần bậc đại học.

Cụ thể, năm học 2022-2023 có 12 em đăng ký và 5 em đã vào học các chương trình đại học thuộc các trường thành viên ĐHQG Hà Nội, 5 em đã đi du học; năm học 2023 - 2024 có 20 học sinh đăng ký tham gia và tất cả đều mong muốn sẽ trở thành sinh viên của ĐHQG Hà Nội.

Ông Liệu đánh giá, chương trình VNU 12+ sẽ tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho học sinh THPT của ĐHQG Hà Nội có cơ hội tiếp cận các chương trình học bổng quốc tế và đặc biệt là tăng tỷ lệ thành công khi học đại học.

"Bên cạnh mục đích chung nhất là rút ngắn thời gian đào tạo ở bậc đại học, học vượt còn giúp cho học sinh học hỏi được nhiều kiến thức, tìm kiếm cơ hội mới cũng như sử dụng quỹ thời gian hiệu quả để giảm áp lực, thậm chí là giảm sự cạnh tranh so với các bạn đồng trang lứa", PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn đánh giá.

Năm 2024, ĐHQG Hà Nội dự kiến tuyển sinh gần 18.000 chỉ tiêu vào các ngành/chương trình đào tạo. Năm nay, ĐHQG Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ đổi mới tuyển sinh, tăng cường năng lực tổ chức quản lý đào tạo theo mô hình quản trị đại học tiên tiến, nhằm thu hút được nhiều thí sinh giỏi, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường hội nhập quốc tế, mở rộng quy mô tuyển sinh tại Hòa Lạc; tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực và dành tối đa chỉ tiêu cho phương thức này, đồng thời tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cùng một số phương thức khác được quy định tại Quy chế tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội.