Cả 3 cuốn tiểu thuyết của nhà văn Lê Minh Hà ra mắt lần này gồm "Phố vẫn gió"; "Gió tự thời khuất mặt" và "Những ta" đều viết về Hà Nội, gắn với Hà Nội. Điều này cho thấy, Hà Nội là một nơi vô cùng đặc biệt, có ý nghĩa trong tâm trí cũng như sự nghiệp sáng tác của Lê Minh Hà. Nhưng khi đọc 3 cuốn tiểu thuyết này, bạn đọc sẽ nhận ra sự khác biệt giữa chị với nhiều nhà văn viết về Hà Nội khác, đó là tâm thế của một người con xa quê hương hướng về đất mẹ (hiện tác giả Lê Minh Hà đang sống và làm việc tại Đức) .

Trong tiểu thuyết của nhà văn Lê Minh Hà, Hà Nội là những mảng ký ức đẹp đẽ, trong trẻo, vẹn nguyên, một Hà Nội vừa gần đây mà dường như cũng đã xưa rồi. Hà Nội của những chuyến trở về, quan sát, chiêm nghiệm, nghĩ suy, so sánh, có những điều mới mẻ và cũng rất nhiều điều đã mất đi. Với 3 cuốn sách ra mắt lần này, bạn đọc sẽ cảm thấy Lê Minh Hà dường như là một người được sinh ra để viết về Hà Nội.

"Hà Nội trong tôi ngoài sự ngọt ngào, trong trẻo thì có những lúc tôi rất "ghét" Hà Nội, bởi khi còn trẻ tôi thấy Hà Nội như một cái chuồng, còn mình như một con gà không biết bay trong khi Hà Nội có quá nhiều điều để khám phá và cảm nhận mà tôi lại không thể thực hiện được vì nhiều lý do. Nhưng Hà Nội luôn là một phần máu thịt, một phần tuổi trẻ của tôi, một điều vô cùng thiêng liêng mà tôi luôn nhung nhớ", nhà văn Lê Minh Hà chia sẻ.

Chia sẻ về tiểu tuyết "Gió tự thời khuất mặt", nhà văn Lê Minh Hà cho biết, tiểu thuyết này là tiểu thuyết đầu tiên của tôi và đã từng được in cách đây 18 năm trước, bản in năm 2024 là nguyên bản, không có sửa chữa biên tập. "Với Gió tự thời khuất mặt, tôi nhận ra không phải mình đang dựng lại một quá khứ như đang xảy ra, mà là ý thức về nó, của tôi và bạn bè tôi thời đó. Đọc lại bản thảo, tôi kinh ngạc khi gặp lại nhiều ý nghĩ của mình từ hai mấy năm về trước".

Tiếp sau đó là "Phố vẫn gió". Với cuốn này, Lê Minh Hà mô tả lao động văn chương của mình là “viết từng từ một, phải nói là viết rất khó nhọc”. Nhà văn cho biết, "Phố vẫn gió" lấy bối cảnh Hà Nội từ những năm sau giải phóng 1954 tới nay. Sự đối lập của Hà Nội cũ và Hà Nội hậu chiến là bức tranh đầy cảm xúc mà tác giả dựng lên. Có cảm giác sự đau đớn của nhân vật Ngân khi chứng kiến những đổi thay của Hà Nội nhưng cũng có bóng dáng của chính tác giả - một người Hà Nội sống xa Hà Nội đã nhiều năm.

"Tôi muốn nói với các bạn về Hà Nội. Người Hà Nội là ai mới được chứ? Tôi đi trên taxi và các cậu lái taxi kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về Hà Nội bằng nhiều giọng, chủ yếu là giọng Hưng Yên, giọng Xuân Trường, giọng Hà Tây quê lụa (cũ) và cũng có một người Hà Nội. Tất cả họ kể cho tôi nghe về đời sống của họ ở Hà Nội bằng những giọng không phải giọng mà chúng ta đang nói đây, nhưng tôi cho rằng đấy chính là người Hà Nội. Họ là chủ nhân của Hà Nội hôm nay. Hà Nội hôm nay sẽ trở thành nỗi nhớ của họ cũng giống như nỗi nhớ của tôi ở thời của tôi. Và người Hà Nội của thời tôi cũng đâu phải là người sinh ra và lớn lên với phố hoàn toàn. Có những người là trí thức Tây học, những người đã mang lại cho Hà Nội một vẻ đẹp mà chúng ta hôm nay rất thiết tha. Nhưng Hà Nội chúng ta nhắc đến hôm nay mang một cái phong vị của tri thức phương Tây rồi. Và những người mang cái đó đến đất này chắc gì đã là người sinh ra và lớn lên ở đây, mà là những người ở đâu đó đấy chứ. Đối với tôi đấy là Hà Nội, Hà Nội là của những người đến với nó, sống với nó và quan trọng nhất là yêu nó, biến nó thành giá trị cho số đông chứ không phải cho mình”.

"Những ta" là tác phẩm mới nhất của Lê Minh Hà viết về Hà Nội. Các nhân vật trong tiểu thuyết này đều xưng tôi, nhưng đến khi kết thúc lại là Chúng ta. Mỗi cá nhân khi cái tôi hòa vào thành chúng ta thì sẽ thành công hơn. Và những con phố Hà Nội không hề có tên cụ thể, nó mang tính đại diện và ở đó có nhiều điều vui buồn được diễn ra, được chia sẻ với nhau. Lê Minh Hà từng nói: "Cuộc sống 20 năm ở xứ người đã cho phép tôi hiểu một cách kỹ càng hơn về mảnh đất này, mảnh đất mà nói như Nguyễn Huy Tưởng là cần phải sống cùng với nó, sống mãi với Thủ đô. Mà nó lạ lắm, những nhận thức sách vở nọ kia lại không động chạm đến tôi đâu, mà là cái đời sống bên kia từng ngày từng giờ một, như một người dân rất bình thường, nhưng chính đời sống đó lại giúp tôi hiểu về những cái tôi đã từng đi qua ở Hà Nội”.

Là người đầu tiên đọc bản thảo của Lê Minh Hà, nhà phê bình Đào Tuấn Ảnh cho rằng, nữ nhà văn có một giọng điệu riêng, một cách thức riêng và rất kiên định với cách viết của mình. Cách viết của chị khiến độc giả phải tự chiêm nghiệm, tự suy nghĩ rồi tự vấn. Chị là người cẩn thận từng con chữ và cách đặt vấn đề rất logic, ngắn gọn, khúc triết. Cuộc trở về lần này của Lê Minh Hà góp thêm vào đời sống văn chương Việt Nam hôm nay một chùm tác phẩm thuộc thể loại "nặng kí" - tiểu thuyết. Với 3 cuốn sách này, bạn đọc có lẽ sẽ cảm thấy Lê Minh Hà dường như là một người được sinh ra để viết về Hà Nội.

Nhà văn Lê Minh Hà sinh năm 1962 tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Ðại học Sư phạm năm 1983. Chị từng giảng dạy tại trường PTTH Hà Nội - Amsterdam, hiện làm việc và sinh sống tại CHLB Ðức.

Lê Minh Hà bắt đầu viết văn từ khi chị còn ở trong nước và viết bền bỉ, liên tục trong suốt nhiều năm qua. Cuốn sách đầu tiên của chị được xuất bản năm 1998 tại Mỹ - tập truyện ngắn Trăng goá. Cho tới nay, Lê Minh Hà đã in 18 cuốn sách, bao gồm truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết.