“Tết Mông xuống phố” do nhóm các bạn trẻ thuộc nhiều thế hệ người Mông học tập và làm việc ở Hà Nội tổ chức trong nhiều năm qua đã trở thành hoạt động thường niên.
Tết Mông xuống phố - các bạn trẻ đem nét đẹp dân tộc về Thủ đô
Những năm trước, “Tết Mông xuống phố” thường được nhóm các bạn trẻ thuộc nhiều thế hệ người Mông học tập và làm việc ở Hà Nội tổ chức tại các trường đại học.
Năm nay, các hoạt động tết Mông đã được tổ chức tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn Tây Hồ, Hà Nội. Đây là sự kiện văn hóa đặc sắc được các bạn trẻ người Mông tổ chức thường niên tại Hà Nội, vừa là dịp quy tụ cộng đồng dân tộc Mông tại thành phố cùng đón Tết xa quê, vừa là cơ hội tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo.
“Năm nay điểm nhấn của bọn em trong tết Mông là giới thiệu trang phục của người Mông thuộc 7 tỉnh trên cả nước vì đây có thể được xem như nét đặc trưng nhất. Đây đồng thời được xem như cơ hội quảng bá văn hóa của đồng bào Mông trên cả nước với Thủ đô, đặc biệt trong giới trẻ”, Lý Minh Cường, Trưởng ban tổ chức cho biết.
Chủ đề năm nay được các bạn trẻ người Mông chọn tập trung vào “Văn hoá đặc trưng của người Mông ở các vùng miền”. Cùng với đó, các hoạt động như hội thi văn nghệ, thưởng thức ẩm thực đặc trưng và tham gia trò chơi dân gian tại sự kiện đã góp phần tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của người Mông đến từ các tỉnh như: Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An, Đắk Nông,...
Minh Cường cho biết, thông qua hoạt động "Tết Mông xuống phố", ở vị trí Trưởng ban tổ chức, cũng như các bạn trẻ người Mông khác, Cường có cơ hội tìm hiểu sự phong phú của văn hóa tết của người Mông trên nhiều tỉnh, thành khác nhau trên cả nước.
Lầu Thị Phương Thảo, một bạn trẻ người Mông ở Điện Biên xuống Hà Nội học đại học năm thứ hai rất tự hào khi có dịp mặc trang phục của dân tộc mình trong sự trầm trồ ngưỡng mộ của các bạn học. Không gian rộng, thu hút đông khách thăm quan theo Phương Thảo góp phần khoe sắc những giá trị đẹp đẽ trong mỗi dịp tết của người Mông. Bản thân em cũng ý thức hơn trong việc bảo vệ những nét đẹp này khi tết đến trở về gia đình.
“Tham gia sự kiện em muốn lan tỏa những nét đẹp truyền thống của đồng bào Mông quê em. Tết của người Mông theo đúng truyền thống sẽ diễn ra trước tết âm lịch của cả nước khoảng một tháng. Nhưng bây giờ ở Điện Biên chỉ còn một số khu vực đồng bào giữ nếp này, còn cơ bản huyện em đều nghỉ tết, ăn tết trùng lịch đi học, đi làm của cả nước”, Phương Thảo chia sẻ.
Nét đẹp trong đón tết của đồng bào Mông được các bạn trẻ tiếp nối.
Cũng như khu vực gia đình Lầu Thị Phương Thảo sinh sống, hầu hết đồng bào Mông ở Nghệ An cũng đón tết trùng vào tết âm lịch của cả nước. Xồng Vi Va, sinh viên trường Đại học Sư Phạm Hà Nội những ngày này háo hức trở về bên gia đình.
Vi Va kể, Tết là thời điểm mọi người đều bận rộn nhưng cũng rất vui. Các bạn trẻ thường được bố mẹ giao nhiệm vụ dọn dẹp, trang trí nhà cửa, hái lá dong, lá chuối, phụ làm bánh dày và giúp bố mẹ chuẩn bị mâm cỗ Tết. Không khí chuẩn bị vừa nhộn nhịp vừa ấm cúng, làm ai cũng cảm nhận được sự thiêng liêng của Tết.
“Món ăn không thể thiếu của người Mông trong dịp Tết là bánh dày. Bánh này làm từ gạo nếp, không có nhân, được hấp chín, giã nhuyễn rồi gói bằng lá dong hoặc lá chuối. Em đã được bố mẹ hướng dẫn từ nhỏ nên bây giờ hoàn toàn có thể tự tay làm được món này và cảm thấy rất vui khi góp phần chuẩn bị món ăn truyền thống của dân tộc mình”, Vi Va kể.
Hiện một số gia đình ở quê Vi Va cũng gói bánh chưng, nhưng bánh dày không nhân, có thể chấm mật mía làm tăng vị ngon mới thực sự là món bánh truyền thống của đồng bào Mông. Bên cạnh đó theo Vi Va, dịp Tết cũng là thời điểm địa phương tổ chức các trò chơi dân gian như ném pao, chọi bò, đánh gù cùng những buổi giao lưu văn nghệ, vừa vui vừa gắn kết cộng đồng, mang lại niềm vui và kỷ niệm khó quên.
Đêm giao thừa, Vi Va cho biết các gia đình sẽ đi ngủ sớm để ngày đầu tiên của năm mới sẽ dậy sớm với kỳ vọng về một năm chăm chỉ lao động và nhiều điều tốt lành.
Người Mông có một số điều kiêng kỵ đặc biệt trong ngày Tết, như không ăn cơm chan nước hoặc canh, không phơi quần áo ngoài trời, không quét nhà, và tránh tiêu tiền từ ngày Mùng 1 đến Mùng 3 Tết. Tất cả đều mang ý nghĩa cầu mong may mắn và tránh rủi ro trong năm mới.
Mời các bạn bấm nút nghe nội dung chia sẻ về tết và tập tục tết của đồng bào dân tộc Mông từ các bạn trẻ người Mông: