Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 09/7/1912 trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng ở làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh - một vùng quê có bề dày lịch sử, văn hiến, yêu nước và cách mạng. Dòng họ Nguyễn ở Từ Sơn - Bắc Ninh là dòng họ nổi tiếng vì nhiều người học rộng, tài cao. Cả ông nội và ông ngoại của Nguyễn Văn Cừ đều là nhà nho yêu nước và đều làm nghề dạy học. Theo ông Nguyễn Văn Chu, thành viên Hội đồng gia tộc Nguyễn Phù Khê, kế thừa truyền thống của gia đình, quê hương, Nguyễn Văn Cừ đã sớm thể hiện lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc.
Năm 1927, Nguyễn Văn Cừ tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và các phong trào vận động quần chúng, đứng lên đấu tranh chống sự áp bức bóc lột của đế quốc và bè lũ tay sai. Vì những hoạt động này, ông bị đuổi học giữa khóa. Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, Nguyễn Văn Cừ (lúc này lấy tên là Phùng) ra mỏ Vàng Danh làm phu cuốc than để vừa rèn luyện, vừa thâm nhập trong phong trào công nhân, giác ngộ công nhân.
Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Nguyễn Văn Cừ trở thành đảng viên và được phân công phụ trách các chi bộ ở Cẩm Phả, Cửa Ông. Đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 2/1930), ông được cử là Bí thư đặc khu Hòn Gai - Uông Bí, lãnh đạo phong trào cách mạng ở vùng mỏ phát triển mạnh mẽ, trực tiếp tổ chức và chỉ đạo công nhân toàn vùng mỏ đấu tranh nhân ngày Quốc tế lao động, cờ đỏ búa liềm được cắm trên đỉnh núi Bài Thơ (Hòn Gai), thị trấn Cẩm Phả và nhiều nơi khác.
Tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 9/1937, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Đến tháng 3/1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư khi mới 26 tuổi. Dù không được đi học ở trường lớp lý luận chính trị nào, nhưng bằng niềm tin, nghị lực biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tự trang bị cho mình những hiểu biết sâu rộng về khoa học chính trị.
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo đưa Đảng rút vào hoạt động bí mật và tích cực chuẩn bị cho việc chuyển hướng chỉ đạo cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 ở Bà Điểm (Gia Định), đồng chí Nguyễn Văn Cừ quyết định thay đổi chiến lược cách mạng và thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương, phương pháp cách mạng cũng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai, từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị điều kiện để tiến tới khởi nghĩa vũ trang. Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia HCM, đây là một trong những quyết sách quan trọng, thể hiện tư duy chính trị nhạy bén, năng lực sáng tạo lớn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Nhờ đó, phong trào cách mạng Việt Nam có bước phát triển mới mạnh mẽ, tiến tới giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những tác phẩm thể hiện rõ tinh thần đấu tranh cách mạng trong đó nổi bật nhất là tác phẩm “Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương”. Trong tác phẩm này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã đưa ra và giải thích những khái niệm và phạm trù mang tính lý luận như: “Thế nào gọi là tự do dân chủ”, “Tự do dân chủ với dân tộc”, “Tự do dân chủ với giai cấp tư sản”, “Tự do dân chủ với giai cấp vô sản”…
Còn trên phương diện đấu tranh củng cố nội bộ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cũng đã viết và cho ấn hành tác phẩm “Tự chỉ trích” với bút danh Trí Cường. Đây được xem là một văn kiện lý luận chính trị quan trọng của Đảng ta, nội dung phong phú, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đấu tranh tự phê bình và phê bình, thực hiện dân chủ trong Đảng. Riêng bút danh cũng đã thể hiện rất rõ tầm cao của trí tuệ và ý chí đấu tranh kiên cường của người cộng sản. "Theo tôi giá trị nhất của tác phẩm này là về mặt quan điểm, tư tưởng, thể hiện được sự tự phê bình rất sâu sắc. Qua đó nêu bật được ý nghĩa rất quan trọng đó là những người cộng sản không sợ sai lầm, khuyết điểm mà quan trọng là tìm ra nguyên nhân, thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và đề ra cách sửa chữa. Đấy chính là biểu hiện của tinh thần cộng sản chân chính", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
Có thể nói, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng trong việc chỉ đạo và chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng, trong xây dựng củng cố Đảng cả về tư tưởng, tổ chức và phương thức hoạt động, trong xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất trong những điều kiện lịch sử khác nhau. Những đóng góp ấy thể hiện trí tuệ sáng tạo với tư duy chiến lược của nhà lãnh đạo kiệt xuất.
Mời nghe âm thanh tại đây: