UBND quận Tây Hồ, Hà Nội vừa công khai quy hoạch đồ án tỷ lệ 1/500 Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An với điểm nhấn của quy hoạch là công trình nhà hát được thiết kế nổi trên mặt hồ Đầm Trị. Theo quy hoạch, công trình nhà hát được thiết kế với khán phòng Opera có sức chứa hơn 1.800 chỗ, đồng thời có nhiều khán phòng đa năng từ 1.000 - 2.000 chỗ ngồi phục vụ mục đích tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn, tiêu biểu cho Thủ đô. Việc xây dựng nhà hát Opera được ví như kiến tạo một “hòn đảo âm nhạc” giữa khung cảnh hồ Tây thơ mộng, hiện thực hóa khát vọng của người dân Thủ đô về một công trình nhà hát xứng tầm, một biểu tượng mới của Thủ đô trong giai đoạn hiện đại. Việc thi công Nhà hát được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Thành phố, trên cơ sở: đảm bảo không lấp hồ, ảnh hưởng đến bề mặt nước hồ. Thiết kế của nhà hát được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo gia tăng mỹ quan và không gian cảnh quan cho khu vực.

Theo KTS Trần Huy Ánh - Thành viên Hội đồng Khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam - Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng, việc quận Tây Hồ trưng bày đồ án tại nhiều vị trí ngay tại bán đảo Quảng An, trong khu vực quy hoạch và công khai rất nhiều thông tin liên quan để mọi người tiếp cận nhằm lấy ý kiến cộng đồng là rất bài bản. Đây thực sự là bước tiến bộ trong việc cải cách các hoạt động quản trị địa phương. Tuy nhiên, tất cả các cuộc thảo luận liên quan tập trung quá nhiều vào nội dung Nhà hát mà quên đi công trình này dù ấn tượng tới đâu cũng chỉ là một bộ phận hợp thành công cuộc tái thiết bán đảo Quảng An, nhằm trả lại không gian Xanh cho khu vực này cũng như bổ sung diện tích Xanh lớn gần gấp đôi công viên Thống Nhất tại đây.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần có thêm những không gian văn hóa mới khi đã vươn lên trở thành một thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới và không gian Hồ Gươm gần như đã quá tải, KTS Trần Huy Ánh cho rằng: Quy hoạch 1259 được công bố cách đây hơn 10 năm khi Hà Nội được mở rộng thì mục tiêu là biến Hà Nội thành thành phố Xanh – Văn Hiến – Văn Minh – Hiện đại thì việc lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch bán đảo Quảng An có vai trò rất quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu Quy hoạch chung của cả Hà Nội. Tuy nhiên, khu vực này sau 10 năm Quy hoạch 1259, dân số nội thành so với thống kê trong báo cáo Phát triển tổng thể đô thị HAI DEP 2003 đã tăng gấp đôi, nhưng Hà Nội vẫn chưa có thêm một không gian Xanh nào tương xứng với một thành phố mở rộng lớn như thế.

Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, trên thế giới có rất nhiều công trình văn hóa, nhà hát opera đã trở thành biểu tượng không chỉ của một điểm đến, mà còn của một quốc gia. Chẳng hạn nhà hát lớn Bắc Kinh, nhà hát Opera Sydney… không chỉ nâng tầm điểm đến, tạo vị thế trên trường quốc tế cho quốc gia đó, mà còn đem về doanh thu khổng lồ cho ngành du lịch. Nhưng trên thực tế, đa số mọi người chỉ nói đến thành công mà chưa đề cập đến những trục trặc. Ví dụ như Nhà hát Opera Sydney đã phải thực hiện trong 20 năm (1954 - 1973) nhiều lần phải dừng thi công do biểu tình phản đối, do chi phí quá lớn. Thậm chí sự căng thẳng tới mức Kiến trúc sư Joern Oberg Utzon - tác giả công trình phải bỏ dở về nước … Chúng ta thấy thành công của họ là đã vượt qua rất nhiều trở ngại từ một đất nước có tiềm lực kinh tế, có sự thống nhất cao. Một nhà hát được lựa chọn từ 233 đồ án dự thi chứ không đơn giản chỉ có 1 cái để chọn như Việt Nam. Còn tại Bắc Kinh có vô số các công trình biểu tượng rực rỡ, nhất là Sân vận động Tổ chim, nhà hát giọt nước khổng lồ… nhưng không mấy ai biết là để duy trì nó thì thành phố phải "vật vã" vì chi phí quá lớn, đấy là chưa kể họ còn phải đau đầu không biết tổ chức sự kiện nào để nhà hát được duy trì thường xuyên. Điều đó không hề đơn giản.

Còn tại Việt Nam, hồ Đầm Trị là khu vực có nhiều diện tích hồ tự nhiên cũng như cây xanh. Việc xây dựng nhà hát chắc chắn cũng gây ra một số lo ngại việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan khu vực. Chẳng hạn, "nói là nhà hát nổi nhưng chắc chắn phải có nền móng chìm dưới mặt nước, rồi những đường dẫn cũng chiếm tỉ trọng rất lớn trong diện tích cây xanh được vẽ ở bản quy hoạch và đã được phê duyệt rồi, nay điều chỉnh lại thì lại tăng thêm diện tích xây dựng, kinh doanh thương mại... Vậy thì rõ ràng là không gian xanh đang bị giảm đi, không gian mặt nước về mặt khối tích cũng bị giảm đi. Còn việc xử lý nó thì phải tốn nhiều tiền. Mà tiền lấy ở đâu ra thì chưa ai trả lời. Nguồn lực nào để duy trì, vận hành nhà hát và nó có tương xứng với nguồn lợi mà nhà hát hoạt động mang lại hay không? Đây là cả bài toán kinh tế, văn hóa, xã hội rất phức tạp chứ không phải đơn giản là cảm tính" - KTS Trần Huy Ánh phân tích.

Theo đề án quy hoạch, nhà hát được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Thực tế là lâu nay chúng ta mới chỉ có xã hội hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, giờ có một nhà hát được xây dựng theo hình thức xã hội hóa như vậy thì cần phải tường minh mô hình Xã hội hóa và Tư nhân hóa. Xã hội hóa là cả xã hội cùng tham gia bàn bạc thiệt lợi trong cuộc trao đổi. Tư nhân hóa thì đơn giản hơn: Chủ đầu tư mua đất xây nhà hát và khai thác kinh doanh. Còn quy trình giao và tổ chức cá nhân nào có thẩm quyền giao đất công làm Nhà hát tư nhân thì có lẽ sẽ vô cùng phức tạp – nhất là tại thời điểm hiện nay.

Việc kiến tạo một Nhà hát Opera mới hiện đại cho Hà Nội là cần thiết, sẽ góp phần nâng tầm vị thế của Thủ đô trên bản đồ điểm đến văn hóa nghệ thuật thế giới cũng như tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai cũng cần phải dựa trên các đánh giá, tác động nhiều chiều. Hy vọng với những bước đi cẩn trọng, Hà Nội sẽ từng bước tạo dựng được thương hiệu cho mình trên con đường hội nhập quốc tế, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố sáng tạo” mà UNESCO đã vinh danh.

Mời nghe âm thanh chi tiết tại đây: