Tác phẩm Le Petit Prince (Hoàng tử bé) của Antoine de Saint-Exupéry (1900 -1944) ra đời năm 1943, một trong những tác phẩm văn học bán chạy nhất và được dịch sang hơn 542 ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau trên toàn thế giới. Tác phẩm gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ độc giả toàn cầu và đã được chuyển thể, chuyển soạn thành nhiều hình thức nghệ thuật: điện ảnh, sân khấu kịch, phim truyền hình, nhạc kịch, vũ kịch, phim hoạt hình, ca nhạc…

Theo bà Hoàng Thu Hường, Giám đốc dự án Hanoi Arts for Youth (HAY), chuyển thể một tác phẩm văn học nổi tiếng sang hình thức nghệ thuật khác luôn là một quyết định liều lĩnh, đặc biệt với tác phẩm được nhiều người yêu thích như "Hoàng tử bé". "Các nhà sản xuất phim thế giới đã từng đưa tác phẩm này lên màn ảnh rộng, nhưng với thời lượng 2 tiếng của bộ phim thật khó truyền tải hết hồn cốt của tác phẩm đã đi sâu vào lòng người ấy. Với nghệ thuật sân khấu, sự thách thức càng nhân lên gấp bội với sự hạn hẹp cả về không gian và thời gian của việc biểu diễn. Tuy nhiên vì đã rất yêu tác phẩm, khao khát được “gặp” những nhân vật yêu thích của mình thật gần gũi, chúng tôi vẫn quyết tâm đưa "Hoàng tử bé" lên sân khấu".

Kịch bản, âm nhạc và các bài hát trong Nhạc kịch "Hoàng tử bé" (Le Petit Prince) được nhóm sáng tạo Hanoi Arts for Youth (HAY) viết mới hoàn toàn. Cụ thể, có 10 ca khúc được sáng tác dành riêng cho vở nhạc kịch hòa cùng phần trình diễn vũ đạo và lời thoại đã mang đến một không gian kịch nghệ nhiều cảm xúc cho khán giả. Nhưng trên hết, dự án là trải nghiệm nghệ thuật khó quên với các diễn viên nhí không chuyên được hoá thân vào những nhân vật yêu thích trong tác phẩm nổi tiếng.

"Các em là những học sinh các trường tại Hà Nội, từ việc yêu thích nghệ thuật đã chuyển mình từ vị trí của những khán giả thành người biểu diễn sau hơn 5 tháng nỗ lực tập luyện. Tất nhiên, vì là những diễn viên không chuyên, sẽ còn những ngây ngô non nớt của người mới làm quen với việc biểu diễn tại sân khấu của nhà hát chuyên nghiệp trước hàng trăm khán giả, nhưng chính điều đó sẽ tạo nên một buổi biểu diễn nhiều cảm xúc chân thực của cả người biểu diễn và người thưởng thức", bà Hoàng Thu Hường chia sẻ.

Thông qua ước mơ của "Hoàng tử bé" trong hành trình khám phá điều mới lạ, được gặp gỡ những con người với hoàn cảnh, số phận và tính cách khác nhau trên nhiều hành tinh, nhân vật Hoàng tử bé đã nhận ra nhiều bài học về cuộc sống. Nhìn nhận một cách chuẩn xác hơn, chính những nhân vật “người lớn” khi được tiếp xúc với vẻ đẹp thuần khiết của trẻ thơ (mà đại diện là Hoàng tử bé) đã nhận ra được những điều quý giá mà họ đã không lưu giữ được từ khi trở thành người lớn. Họ là: một ông vua khát khao quyền lực muốn có thần dân để trị vì sai khiến, một thần tượng muốn có thật nhiều người hâm mộ, một nhà buôn muốn sở hữu mọi thứ hay người say rượu luôn dằn vặt với chính thói nghiện rượu của mình, rồi cả nhà địa lý sợ hãi việc trải nghiệm cuộc sống hay người thắp đèn miễn cưỡng gắn bó với công việc nhàm chán mà không dám thoát ra…

Ban tổ chức mong muốn thông qua vở nhạc kịch "Hoàng tử bé" sẽ góp phần làm phong phú hơn đời sống nghệ thuật cho giới trẻ tại Việt Nam. Đồng thời, tạo sân chơi cho các em nhỏ, tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ Việt Nam quan tâm làm mới tác phẩm văn học kinh điển nói riêng, tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung, bằng hình thức thể hiện phong phú và đa dạng, tạo cảm xúc mới mẻ cho khán giả.