Đó là nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị báo cáo viên tháng 3 năm 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến sáng nay (9/3/2023) tại các điểm cầu ở 63 tỉnh, thành trong toàn quốc với sự chủ trì của đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. 2 chuyên đề báo cáo tại hội nghị này là “Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và chuyên đề “Những kết quả nổi bật của công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong thời gian gần đây và định hướng thời gian tới” do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày.
Tại hội nghị, báo cáo chuyên đề về nội dung “Xác định và xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, việc xây dựng 4 hệ giá trị là một yêu cầu khách quan và mang tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Trong đó, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, có thể xác định hệ giá trị quốc gia là Hoà bình, Thống nhất, Độc lập, Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh và Hạnh phúc. Đối với Hệ giá trị văn hoá có thể xác định là Dân tộc, Dân chủ, Nhân văn, Khoa học, Pháp quyền và Khai sáng. Về Hệ giá trị gia đình thì cần được xác định một số yêu cầu cụ thể là: Vợ chồng phải yêu thương, chung thuỷ, nghĩa tình, bình đẳng; cha mẹ đối với con, ông bà đối với con cháu phải gương mẫu, yêu thương, nhân hậu; con cháu đối với cha mẹ ông bà thì phải hiếu thảo lễ phép, biết ơn; anh chị em trong gia đình phải hoà thuận, đùm bọc, chia sẻ. Về nhiệm vụ xây dựng chuẩn mực con người người Việt Nam, ông Nguyễn Thế Kỷ đề xuất 9 giá trị gồm: Yêu nước, Đoàn kết, Dũng cảm, Sáng tạo, Tự cường, Nghĩa tình, Trung thực, Trách nhiệm và Kỷ cương. “Những giá trị này sẽ từng bước cụ thể hóa thông qua các chuẩn mực, hành động để cộng đồng thực hiện trong đời sống xã hội, tạo nên bản sắc riêng của quốc gia. Tới đây, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu, bàn thảo xây dựng trình lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư những kiến nghị về các nội hàm, các giá trị nằm trong Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị con người Việt Nam, hệ gia đình Việt Nam” – PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị báo cáo viên tháng 3/2023, các đại biểu được nghe đồng chí Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo chuyên đề “Những kết quả nổi bật của công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong thời gian gần đây và định hướng thời gian tới”. Thời gian qua, quan hệ hợp tác quốc phòng song phương giữa Việt Nam và các nước tiếp tục được củng cố, tăng cường, nhất là với các nước láng giềng và các đối tác quan trọng; xử lý hài hòa, cân bằng quan hệ giữa các nước, góp phần xây dựng lòng tin, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Đối ngoại quốc phòng đa phương tiếp tục được triển khai hiệu quả, có những đóng góp giá trị, góp phần thúc đẩy các sáng kiến nhằm duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực, được các nước ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam kiên định thực hiện nguyên tắc “bốn không” trong đối ngoại quốc phòng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong duy trì và giữ gìn môi trường hòa bình; đồng thời đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam vào hòa bình, ổn định chung của khu vực và trên thế giới.
Định hướng tuyên truyền trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở tập trung tuyên truyền một số nội dung trọng tâm như: Tuyên truyền khẳng định thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; giới thiệu tiềm năng phát triển kinh tế, thu hút thương mại, đầu tư của các địa phương.
Tuyên truyền việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức và toàn dân đối với Luật Đất đai và thi hành Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị định số 07 ngày 03/3/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98 ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế; tuyên truyền Nghị quyết số 30 ngày 4/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành y, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tiếp tục tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023). Nhấn mạnh những thành tựu và kết quả về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong 80 năm qua, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, biểu dương những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương điển hình tiên tiến trong xây dựng, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa, con người Việt Nam.
Đồng thời, trong thời gian tới Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng như: Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch), kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Chu Huy Mân (17/3/1913 - 17/3/2023), lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2023)….