Salon Điện ảnh Đài Loan mùa Đông 2022 với chủ đề “Ngoại” bao gồm 8 bộ phim đem lại ấn tượng về “Muôn vẻ yêu thương (Together in diversity)” sẽ tạo một không gian điện ảnh mời gọi khán giả yêu điện ảnh, những nhà làm phim và những nhà nghiên cứu điện ảnh Hà Nội bước vào để cùng thưởng lãm, suy tư và đối thoại. 8 bộ phim được trình chiếu sẽ là tám cánh cửa được mở ra để qua đó chúng ta nhìn và cảm nhận một xã hội, một nền văn hóa, một cộng đồng người có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Salon Điện ảnh Đài Loan mùa Đông 2022, ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam cho biết, sự kiện này nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hoá, du lịch, tăng thêm sự hiểu biết của khán giả và du khách Việt Nam với Đài Loan cũng như đánh dấu một bước phát triển tốt đẹp trên chặng đường mở rộng hợp tác và giao lưu giữa nền điện ảnh, nền văn hóa nghệ thuật đang trên đà đổi mới của Việt Nam với điện ảnh Đài Loan – một nền điện ảnh lâu đời đã và đang có nhiều tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế. Sau 2 năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, đây cũng là dịp để các khán giả yêu điện ảnh Việt Nam được đắm mình trong không khí nghệ thuật phong phú, đậm đà hơi thở cuộc sống đương đại và cũng không kém phần sâu lắng với những bộ phim ý nghĩa về các vấn đề đang được xã hội quan tâm.

Nổi bật trong số các tác phẩm này có thể kể đến bộ phim “Người thuê nhà thân yêu” (Dear Tenant, 2020) của đạo diễn Trịnh Hữu Kiệt - một tác phẩm điện ảnh nổi bật về đề tài LGBT. Bộ phim chỉ ra góc nhìn của xã hội Đài Loan hiện đại với sự kiện hôn nhân đồng giới đã được hợp pháp hóa vào năm 2019, đặt ra câu hỏi liệu người Đài Loan đã sẵn sàng chấp nhận những gia đình phi khuôn mẫu hay chưa. Phim đã giành rất nhiều giải tại Liên hoan phim Kim Mã năm 2020. “Người thuê nhà thân yêu” cũng là bộ phim chiếu mở màn Salon Điện ảnh Đài Loan Mùa Đông 2022.

Với chủ đề tình yêu, “Đồ quái gở” (I Weirdo, 2020) của đạo diễn Liêu Minh Nghị là bộ phim hài lãng mạn được quay hoàn toàn bằng điện thoại iPhone. Bộ phim kể về hai con người “quái gở” đến với nhau bằng tình yêu trong sáng nhưng sau đó tình yêu của họ cũng phải trải qua những thử thách bất ngờ của cuộc sống vô thường, khi cái “quái gở” của một trong hai người bỗng dưng biến mất. Bằng sự hài hước và ngôn ngữ điện ảnh độc đáo, bộ phim đặt ra những câu hỏi lớn về bản chất của tình yêu, về tính “có điều kiện” và dễ đổi thay của thứ tình cảm tưởng chừng như thiêng liêng và đặc biệt này.

Cũng về đề tài tình yêu nhưng “Có một ngày” (One day, 2010) lại đưa khán giả bước vào thế giới của những giấc mơ bồng bềnh, thời gian phi tuyến tính của hai người yêu nhau. Bộ phim là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Hầu Quý Nhiên, được sản xuất dưới sự giám sát của Hầu Hiếu Hiền và đã lọt vào danh sách rút gọn của các đạo diễn trẻ trong Liên hoan phim Berlin 2010 cũng như các giải thưởng điện ảnh quốc tế khác.

Khán giả có thể xem phim “Nơi tôi chưa từng đến” (Somewhere I have never travelled, 2009) của đạo diễn Phó Thiên Dư, là một bộ phim coming of age/tuổi mới lớn. Bộ phim xoay quanh hai cô cậu ở tuổi thanh thiếu niên mới bắt đầu những xúc cảm yêu đương nhưng đồng thời đã cảm nhận được nỗi cô đơn, bất an, nỗi khắc khoải đi tìm bản thân, đi tìm lẽ sống riêng mình. Phim có cô bé A Quế mong mỏi một ngày nào đó được đến một hòn đảo ở phía xa Nam Thái Bình Dương, ở đó tất cả cư dân cũng bị mù màu giống cô. Cậu trai A Hiền thì muốn đi theo người mình yêu đến một nơi tự do và hạnh phúc hơn… Bộ phim lấy bối cảnh một thị trấn nhỏ miền biển phía Nam Đài Loan mang vẻ đẹp mơ màng, nên thơ nhưng vẫn có vẻ gì đó bức bí và u buồn…

Cũng xoay quanh câu chuyện của người trẻ ở ngưỡng tuổi trưởng thành, “Bobita siêu phàm” (The magnificent Bobita, 2019) lại kể câu chuyện về một anh chàng phát cuồng vì bộ phim hoạt hình "Bobita" chỉ đắm chìm vào thế giới ảo và thiếu vắng nhiều kỹ năng xã hội. Bộ phim là một mô tả đậm đặc về những mối quan hệ giữa con người với con người trong các gia đình Đài Loan hiện đại. Thông qua tình bạn giữa nhân vật hoạt hình hư cấu Bobita và nhân vật nam chính, bộ phim phân tích một hiện tượng văn hóa đang có ảnh hưởng lớn tới giới trẻ và truyền thông.

Với chủ đề gia đình – một chủ đề lớn bậc nhất trong các điện ảnh Đài Loan đương đại, “Như cá mắc cạn” (A fish out of water, 2017) đi sâu vào khám phá đời sống cảm xúc và tinh thần của thế hệ trẻ trong xã hội Đài Loan hiện đại, đặc trưng bởi rất nhiều những trách nhiệm, giày vò và những lo âu. Hai vợ chồng trong bộ phim là hai đại diện tiêu biểu cho thế hệ đó. Cuộc hôn nhân của họ gặp thử thách lớn lao trong lúc con trai họ thể hiện sự ám ảnh ngày gia tăng tới “ngôi nhà cũ” và “cha mẹ trước kia” của cậu. Phải chăng cậu bé có những ký ức về tiền kiếp? Trong bức tranh tưởng chừng tăm tối và không còn hy vọng, đạo diễn Lại Quốc An vẫn chỉ cho khán giả thấy những hạt mầm của tình yêu và cảm thông đang chực chờ cơ hội nảy nở để chữa lành những rạn gãy.

Đặc biệt, trong Salon Điện ảnh Đài Loan mùa Đông 2022 còn xuất hiện một phim tài liệu – tiểu sử về Trịnh Vấn là một trong những họa sĩ truyện tranh nổi tiếng nhất Đài Loan và trên cả châu Á. Tác phẩm của ông được trình bày theo một nét thẩm mỹ độc đáo, pha trộn giữa tranh truyền thống được vẽ bằng mực tàu với phong cách phương Tây. Sự linh hoạt và khéo léo của ông trong việc sử dụng các chất liệu khác nhau đã làm cho các tác phẩm của ông trở nên độc nhất vô nhị, được coi là “mỹ học Trịnh Vấn". Bộ phim này tập trung vào sự nghiệp của họa sĩ truyện tranh Trịnh Vấn, mô tả thẩm mỹ quan về cuộc sống của ông bằng cách giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu và phỏng vấn những người có liên quan trong quá trình sáng tác. Bên cạnh đó còn cho khán giả hình dung chung về công nghiệp truyện tranh ở Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản trong vài thập kỷ gần đây.

Với những tác phẩm đặc sắc này, chương trình Salon Điện ảnh Đài Loan 2022 chắc chắn sẽ mang tới nhiều giá trị nghệ thuật, giá trị tinh thần đặc sắc cũng như những giây phút giải trí thú vị dành cho các khán giả Thủ đô.

Tám tác phẩm sẽ được giới thiệu liên tiếp trong tuần phim từ ngày 3/12 - 10/12/2022 trong các buổi chiếu tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trung tâm Chiếu phim Quốc Gia. Vé xem phim được phát miễn phí cho tới khi hết tại 04 điểm:

Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam (Tầng 21, Tòa nhà PVI, Số 1 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Trung tâm Chiếu phim Quốc Gia (Số 87 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội)

Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng Điện ảnh (18A Phố Ngô Tất Tố, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội)

Cà phê sách Tổ Chim Xanh (Số 13, ngõ 27 P. Đặng Dung, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội)