Phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm, Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, Triển lãm Thư pháp Thăng Long - Hà Nội với chủ đề "Hương sắc Thăng Long" là hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Đồng thời là một trong những hoạt động thực hiện định hướng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám từng bước trở thành không gian sáng tạo. Đặc biệt, việc triển khai các hoạt động triển lãm thư pháp không chỉ thực hiện trong những dịp Tết mà trở thành hoạt động thường xuyên, tạo sân chơi cho những nhà hoạt động thư pháp, những người sáng tạo tìm tòi, thể hiện tác phẩm, qua đó từng bước nâng cao trình độ, sự thưởng thức các giá trị thư pháp ở nước ta.
“Chúng tôi muốn triển lãm Thư pháp là hoạt động thường niên tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám và mỗi năm có một chủ đề mới. Hy vọng triển lãm là nơi hội tụ của các nhà Thư pháp trên khắp mọi miền đất nước và cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của những người yêu mến nghệ thuật Thư pháp, góp phần tạo nên sức sống của hoạt động thư pháp trong đời sống hiện nay, phục vụ cho cộng đồng”, Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.
Theo Ban tổ chức, lựa chọn chủ đề “Hương sắc Thăng Long” nhằm tôn vinh vẻ đẹp của đất và người Thăng Long - Hà Nội với những giá trị văn hóa riêng có của đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến dưới sự thể hiện của nghệ thuật thư pháp. Vì vậy, nội dung của các tác phẩm là những áng thơ văn bất hủ về Thăng Long - Hà Nội và tinh hoa đạo học cổ nhân của các tác giả nổi tiếng trong lịch sử như: Lê Thánh Tông, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trương Hán Siêu, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Trần Bá Lãm, Bà huyện Thanh Quan...
Từ hàng trăm tác phẩm tham gia dự tuyển, Ban tổ chức đã lựa chọn 36 tác phẩm xuất sắc của 18 tác giả đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam, trong đó có 2 nữ tác giả trẻ. Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm có giá trị nghệ thuật, mang tính cổ điển, qua đó một lần nữa khẳng định những tiêu chí nghệ thuật thư pháp kinh điển vẫn sẽ mãi luôn là xương sống, huyết mạch, là nền tảng cơ bản của thư pháp truyền thống. Các tác phẩm chủ yếu được viết theo lối truyền thống với các thể chữ Triện, Lệ, Chân, Hành, Thảo. Bên cạnh đó, cũng có một số tác phẩm có lối thể hiện mới mẻ, đột phá trong cách thể hiện nét chữ và bố cục.
Là một trong 2 nữ tác giả, Như Như tham gia triển lãm với đôi câu đối bằng chữ Nôm được chuyển thể sang thể thư pháp chữ Triện. Đôi câu đối này được trích ra từ bài thơ tuyệt bút "Thăng Long thành hoài cổ" của Bà Huyện Thanh Quan với nội dung: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Chia sẻ về tác phẩm thư pháp của mình, tác giả Như Như mong muốn bằng tấm lòng và tình yêu Hà Nội của mình để gửi gắm đến công chúng về vẻ đẹp thành Thăng Long xưa, Hà Nội nay và mọi người cùng có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn sao cho Hà Nội mãi tươi đẹp.
Giám tuyển Xuân Như Vũ Thanh Tùng cho biết, dưới góc độ nghệ thuật, trưng bày tại triển lãm năm nay tiếp tục chủ yếu là những tác phẩm được viết theo lối kinh viện, truyền thống với sự thuần thục trong kĩ pháp, nhuần nhụy trong bút pháp, sinh động trong mặc pháp và hài hòa trong chương pháp. "Các tác phẩm đã phần nào thể hiện được độ chín của từng tác giả khi đã dần định hình được lối viết, phong cách. Điểm xuyết có một số bức với lối thể hiện mới mẻ, khác lạ ở chữ viết và cách trình bày tác phẩm cho thấy thú chơi bút mực rất phong phú và còn nhiều dư địa phát triển trong bối cảnh hiện nay khi thư pháp truyền thống mặc định vẫn luôn chỉn chu, chừng mực, ý vị và nghiêm cẩn".
"Triển lãm một lần nữa khẳng định những tiêu chí nghệ thuật thư pháp kinh điển vẫn sẽ mãi luôn là xương sống, huyết mạch, là nền tảng cơ bản của thư pháp truyền thống cho những ai muốn theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Những sự phá cách hay những hướng đi mới sẽ giúp cho chúng ta thêm những khám phá mới mẻ trong nghệ thuật bút mực. Đó cũng là định hướng xuyên suốt, như sợi chỉ đỏ cho những người muốn học tập, nghiên cứu và đi theo con đường bút mực”, giám tuyển Xuân Như Vũ Thanh Tùng nhấn mạnh.
Bên cạnh trưng bày tác phẩm, triển lãm dành một phần không gian cho nghệ thuật sắp đặt với 365 cuốn tập phỏng cổ viết nội dung trích từ “Khuyến học văn” (Bài văn khuyến học) của vua Lê Thánh Tông, một tác gia lớn của văn học trung đại Việt Nam, như một sự nhắc nhở về việc học phải thực hiện hàng ngày theo lời dạy của bậc tiền nhân.
Triển lãm là cơ hội, nơi kết nối các tác giả thư pháp, qua đó từng bước nâng cao trình độ, sự thưởng thức các giá trị thư pháp, trở thành động lực cho những người yêu nghệ thuật thư pháp trong thời gian tới.
Triển lãm diễn ra từ ngày 03/11/2024 đến hết 03/12/2024 tại Nhà Thái học, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.