Cố nghệ nhân nhân dân (NNND) Vũ Đức Thắng không chỉ nổi tiếng trong làng gốm sứ Bát Tràng mà còn trong cả giới nghệ thuật ở Hà Nội. Hơn 40 năm gắn bó với nghề gốm gia truyền, ông luôn tìm tòi, sáng tạo ra cái mới, chắt lọc bí quyết kỹ thuật làm nghề truyền thống hòa trộn với phong cách mỹ thuật, tạo hình hiện đại, mang đến những sản phẩm gốm có chất riêng với tính nghệ thuật cao. Tai nạn bất ngờ ập đến cướp đi sinh mạng của ông năm 2016 khiến tâm huyết thành lập bảo tàng gốm việt mang tên “Bảo tàng Nghệ thuật Hồn đất Việt Bát Tràng” mà ông đau đáu vẫn còn dang dở.

Gần đây, con trai của cố nghệ nhân là nhà báo Vũ Khánh Tùng quyết tâm cùng mẹ là bà Phùng Thị Thịnh tiếp tục hoàn thành tâm nguyện của ông. Phóng viên VOV2 đã có cuộc phỏng vấn nhà báo Vũ Khánh Tùng về những dự định tiếp tục nhân thêm những giá trị tinh hoa của gốm Bát Tràng nhân dịp ra mắt trang web battrang.museum và triển lãm “Chiếc giày gốm Bát Tràng - Cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý”. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi:

PV VOV2: Xin chào Vũ Khánh Tùng! Anh là con của một NNND, vốn được coi là một trong những đôi bàn tay vàng của làng gốm sứ Bát Tràng. Cho đến giờ phút này anh có nghĩ là anh có duyên với gốm hay không?

Vũ Khánh Tùng: Tôi chưa hề nghĩ đến mình có duyên với gốm. Bởi vì tôi đã tự tách mình ra khỏi công việc làm gốm bằng việc đi học và đi làm một ngành, lĩnh vực khác không liên quan gì. Tôi đã từng công tác ở Sài Gòn hơn chục năm, trước khi trở về cùng gia đình làm gốm. Tôi luôn nghĩ đó là công việc rất khó khăn, vất vả. Nhưng đến nay, khi quay trở lại đảm nhận công việc duy trì "Bảo tàng Nghệ thuật Hồn đất Việt Bát Tràng" do bố tôi thành lập thì tôi mới thấy dù sao thì cái duyên đó vẫn còn rất lớn, rất nặng với tôi. Tuy không được thừa hưởng đôi tay của cha tôi là cố NNND Vũ Đức Thắng, nhưng tôi nghĩ tôi được thừa hưởng con mắt duy mỹ của ông. Mặc dù ông không bao giờ khuyến khích tôi làm gốm, nhưng bằng một cách nào đó ông đã đặt cho tôi sứ mệnh lưu giữ và phát huy những gì đẹp đẽ nhất mà ông để lại.

PV VOV2: Và giờ đây khi đã nhận ra nhân duyên ấy, phải chăng anh đang nhân lên theo một cách rất riêng của mình bằng việc mở ra những cuộc triển lãm, khai trương website và gần đây nhất là triển lãm những chiếc giày Ý bằng gốm Bát Tràng. Liệu đó có phải là một sự tiếp tục với những vũ điệu với gốm?

Vũ Khánh Tùng: (Cười) Tôi cũng không biết nữa, không biết có phải là sự tiếp tục hay là sứ mệnh của bố tôi để lại cho tôi. Khi mà bố tôi khuyến khích tôi học ngoại ngữ, khuyến khích tôi đi ra ngoài, đi làm xa, khuyến khích tôi làm những công việc mà tôi thích. Tôi cảm thấy rất vui vì điều đó. Nhưng, tất cả những điều ấy, những năm tháng tôi trải nghiệm và làm bên ngoài lại chính là một điều rất tốt phục vụ cho công việc của gia đình tôi hiện tại, đó là phát triển bảo tàng bố tôi để lại. Tôi thấy đó là một điều may mắn. Thời điểm này, khi mà những sản phẩm là những tác phẩm của bố tôi lại được chính tôi lưu giữ nó theo một hình thái mới.

PV VOV2: Vừa qua, cuộc triển lãm “Chiếc giày gốm Bát Tràng - Cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý” được công chúng đón nhận hào hứng và được đánh giá là một trong những cách giao thoa văn hóa rất đặc biệt giữa Á - Âu. Còn về phía anh, anh có nghĩ rằng là đây là một cuộc triển lãm thành công hay không? Những thành công này có tác động như thế nào đối với anh?

Vũ Khánh Tùng: Rất vui vì nhận được sự đón nhận của khán giả. Còn về bản thân, tôi lại thấy áp lực cho những triển lãm sau, khi mà tôi phải làm cách nào đó để vừa tôn vinh được những sản phẩm của bố tôi nhưng cũng vừa kết hợp được tất cả những loại hình khác về kiến trúc, không gian, tổ chức một triển lãm có độ chỉn chu… Đó là áp lực rất lớn đối với tôi, nhất là đối với bảo tàng của gia đình tôi tại làng gốm Bát Tràng.

PV VOV2: Được biết, hiện nay anh và mẹ anh đang tiếp tục hoàn thành tâm nguyện của cha anh, đó là hoàn thành bảo tàng “Hồn Đất Việt” tại làng gốm Bát Tràng. Anh có thể chia sẻ về bảo tàng này?

Vũ Khánh Tùng: Trong tương lai tôi muốn làm bảo tàng này với chất lượng cao về kiến trúc, mỹ thuật, chuyên môn… Đây cũng là cách kể câu chuyện của chính người nghệ nhân cũng như câu chuyện của người con Bát Tràng, gốm Bát Tràng do chính những người con Bát Tràng kể ra. Sự thành công của triển lãm “Chiếc giày gốm Bát Tràng - Cuộc dạo chơi với văn hóa Ý” thành công vừa là áp lực, vừa là động lực. Tôi may mắn có được cộng sự rất tốt đồng hành cùng mình trong triển lãm lần này cũng như trong những dự án về bảo tàng sắp tới. Đó là đơn vị thiết kế cho triển lãm lần này, cũng chính là đơn vị thiết kế bảo tàng. Một cộng sự nữa mà tôi rất muốn nhắc đến đó chính là MN Associates, là đơn vị đã thiết kế bộ nhận diện cho bảo tàng và cho triển lãm lần này, thiết kế website cho bảo tàng của tôi. Nhìn vào bộ nhận diện này có thể thấy được trong từng con chữ đều có những dấu ấn của hình dáng những chiếc bình, chiếc lọ cũng như logo ngày xưa của bố tôi tạo nên với các con dấu là công cụ làm gốm. Nhìn vào đây cũng sẽ biết được phong cách của bảo tàng trong tương lai, đó là phong cách rất hiện đại chỉn chu. Bảo tàng cũng đóng góp một phần để tạo ra các tác phẩm hay và đẹp. Bảo tàng sẽ được xây trên mảnh đất của gia đình cũng khoảng hơn 1.000m2 và sẽ chia thành nhiều không gian khác nhau. Không gian dành cho bộ sưu tập gốm Bát Tràng do chính bố tôi làm, không gian sân vườn, không gian đương đại là sự kết hợp với rất nhiều nghệ sĩ. Chúng tôi có thể tổ chức triển lãm tại bảo tàng luôn. Tôi muốn tác phẩm của bố tôi trong bảo tàng được trưng bày, được tôn vinh, cũng như gốm Bát Tràng xưa sẽ được kể những câu chuyện của nó. Và hơn nữa, tôi rất muốn kết hợp với những nghệ sĩ đương đại, những nghệ sĩ trẻ để cùng tạo ra những tác phẩm trưng bày.

PV VOV2: Ngoài việc hoàn thành bảo tàng, tới đây anh sẽ có những hoạt động, những dự định như thế nào để những nét tinh hoa gốm Bát Tràng dưới bàn tay của NNND Vũ Đức Thắng được tiếp tục lan tỏa đến công chúng yêu nghệ thuật”?

Vũ Khánh Tùng: Những tác phẩm của bố tôi, cố NNND Vũ Đức Thắng để lại lên tới hàng trăm hàng nghìn hiện vật. Rất may 2 năm vừa rồi là thời gian để hoàn thiện website và tôi có thêm thời gian để trau dồi những kiến thức về giám tuyển và quản lý văn hóa. Tôi đã học những khóa học để có thể đảm nhiệm được vai trò của mình tốt hơn.

PV VOV2: Như anh chia sẻ, con đường chuẩn bị cho một cuộc triển lãm thôi cũng đã có rất nhiều gập ghềnh rồi. Trong quá trình hoàn thành tâm nguyện của cha anh là hoàn thành bảo tàng "Hồn Đất Việt" chắc chắn là còn không ít khó khăn. Liệu có lúc nào anh cảm thấy lung lay với quyết định tiếp tục hành trình với vũ khúc gốm?

Vũ Khánh Tùng: Có chứ! Bởi vậy mà từ khi bố tôi mất đến nay là gần 6 năm rồi thì phải mất 4 năm trời tôi mới hoàn thành được website này. Mọi người cứ bảo tôi là người cầu toàn, tỉ mẩn nhưng đúng là tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn.

PV VOV2: Trên hành trình không dễ dàng đó, đâu là động lực để anh tiếp tục vững bước?

Vũ Khánh Tùng: Động lực để tôi tiếp tục vững bước chính là mẹ tôi. Mẹ tôi dù trải qua những biến cố sau tai nạn của bố tôi vẫn tiếp tục quán xuyến công việc của xưởng cũng như luôn đồng hành cùng tôi. Tôi luôn luôn nhìn mẹ tôi mà cố gắng.

PV VOV2: Anh có kỳ vọng như thế nào vào hành trình tiếp nối của mình?

Vũ Khánh Tùng: Con đường thì đã được vạch ra rồi. Tôi sẽ theo đuổi theo phong cách này đến cùng, vẫn là một cái gì đó thực sự chỉn chu và kể câu chuyện rất mạch lạc, tôn vinh được những tác phẩm của bố tôi cũng như kể được câu chuyện về gốm Bát Tràng xưa và gốm Bát Tràng nay. Đó là sự kết nối. Từ nay đến khi tôi làm được những tác phẩm của mình, tôi sẽ nguyện đem tất cả những kinh nghiệm của mình, sự hiểu biết của mình để tôn vinh được những tác phẩm của bố tôi cũng như có thể tạo ra một nền tảng kỹ thuật số. Để ở đó kể những câu chuyện về Bát Tràng, kể những câu chuyện về nghệ nhân cũng như là nơi để nghệ thuật gốm đương đại có thể được phát huy.

PV VOV2: Xin cảm ơn Vũ Khánh Tùng đã dành thời gian để trò chuyện cùng VOV2.

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: