Phát biểu khai mạc trưng bày, TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, trưng bày giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về khát vọng hoà bình, ý chí thống nhất, tình đoàn kết gắn bó keo sơn không thể chia cắt giữa hai miền Nam - Bắc trong lịch sử, ngày hôm nay cũng như mãi mãi về sau. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, ý thức tự lực tự cường, tạo động lực tích cực cho mỗi người dân Việt Nam thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Với gần 150 tài liệu, hiện vật, trưng bày chia làm 3 phần:
Phần 1: Khát vọng thống nhất: Giới thiệu nhân dân Việt Nam thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ; bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc đấu tranh đòi hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân hai miền Nam – Bắc với những tài liệu, hiện vật tiêu biểu: Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, giới tuyến tạm thời giữa hai miền Bắc - Nam Việt Nam từ tháng 7/1954; Nhân dân miền Bắc vui mừng đón cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc tại Sầm Sơn, Thanh Hoá, năm 1955; Nhân dân Sài Gòn - Gia Định đấu tranh đòi thống nhất đất nước, ngày 01/5/1956; Nhà máy Cơ khí Hà Nội (Công ty Cơ khí Hà Nội) một trong những cơ sở công nghiệp lớn ra đời ngày 12/4/1958

Phần 2: Nước Việt Nam là một – Dân tộc Việt Nam là một. Trưng bày giới thiệu về đường lối, quyết sách sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân Việt Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; Sự ủng hộ, chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam; sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Trong phần trưng bày này, khách tham quan sẽ thấy những tài liệu, hiện vật tiêu biểu như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 5-10/9/1960; Lễ thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Tân Lập, Châu Thành, Tây Ninh ngày 20/12/1960; Nhân dân Củ Chi (Sài Gòn) đồng khởi phá ấp chiến lược của Mỹ - Nguỵ, năm 1960; Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” của học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; Từng đoàn xe ngày đêm vượt Trường Sơn chở hàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Các cựu chiến binh cùng nhân dân Mỹ xuống đường biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam.

Phần 3: Non sông liền một dải giới thiệu những thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam; Không khí tưng bừng, niềm vui của ngày thống nhất non sông; nhân dân hai miền Nam - Bắc sum họp; Đất nước Việt Nam thống nhất, non sông liền một dải.
Ở phần này, công chúng được xem các tài liệu, hiện vật tiêu biểu về Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; quân giải phóng tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), thành phố Huế, Đà Nẵng và cuối cùng là xe tăng Quân Giải phóng tiến vào đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy Sài Gòn vào ngày 30/4/1975…

Chia sẻ tại trưng bày, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội bày tỏ, trưng bày không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng của các thế hệ ông cha đi trước, mà còn là dịp để truyền cảm hứng, hun đúc lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay, sống, học tập và cống hiến, dựng xây đất nước, xứng đáng với sự hy sinh của các bậc tiền bối.
Một số hình ảnh, hiện vật tiêu biểu tại trưng bày Non sông liền một dải:




Trưng bày mở cửa từ ngày 22/4/2025 đến tháng 8/2025.