Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam – một chủ trương đúng nhưng cách thức vận hành có quá nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả không tương xứng với đầu tư. Song, thực tế là chúng ta đã đổ quá nhiều tiền bạc và cả thời gian, công sức vào mô hình này. “Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, quả thực việc “tiến” hay “thoái” lúc này đều không hề dễ dàng…

Chủ trương đúng nhưng hiệu quả không tương xứng với đầu tư

Xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai và mang ý nghĩa sống còn với mỗi một quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, có thể khẳng định chủ trương xây dựng Làng VHDLCDTVN là một chủ trương đúng.

Tuy nhiên, cách thức quản lý, vận hành liệu đã đúng chưa? Có hay không sự lãng phí trong đầu tư và khai thác? Hiệu quả của mô hình này đến đâu? Có tương xứng với tầm vóc của một “công trình nghìn tỷ”?... Đó là những câu hỏi đáng để suy ngẫm.

Làng VHDLCDTVN có tổng diện tích hơn 1.500ha với tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng (theo Quyết định số 540 ngày 12/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ). Xin được nhắc lại - 3.200 tỷ đồng! Một con số có thể nói là “khủng” ngay tại thời điểm này chứ chưa nói tới thời điểm cách đây cả chục năm. Đây thực sự là một trong những dự án văn hóa được đầu tư ngân sách lớn nhất từ trước đến nay.

Thế nhưng, sau chừng ấy năm, cùng với những bất cập về mô hình hoạt động, xem ra Làng VHDLCDTVN vẫn cứ mãi loay hoay với bài toán vận hành, khai thác.

Không phải đến tận bây giờ câu chuyện hoang hóa, xuống cấp, tiêu điều của khu “làng nghìn tỷ” này mới được xới xáo, mà nó đã từng được nhắc đến không biết bao nhiêu lần trong suốt cả thập kỷ qua. Thậm chí đã có rất nhiều các cuộc hội thảo, họp bàn lớn nhỏ khác nhau để phân tích, mổ xẻ vấn đề, những mong đem đến sự “lột xác” cho mô hình đặc biệt này của ngành văn hóa, nhưng rồi mọi chuyện vẫn “dậm chân tại chỗ”. Làng VHDLCDTVN từ ngày mở cửa đến nay luôn trong tình trạng “đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng”, “nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp do thiếu kinh phí hoạt động”... (Theo Báo cáo hàng năm của Làng VHDLCDTVN)

Theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế là đến nay, mức đầu tư cho Làng VHDLCDTVN mới ở mức hơn 51% kế hoạch ban đầu, tương đương khoảng 1.600 tỉ đồng. Đây hẳn nhiên là một cái khó cho Làng, tuy nhiên đổ lỗi cho kinh phí, đổ lỗi cho cơ chế… đó có lẽ là điều quá đơn giản và bất cứ ai cũng có thể làm được. Quan trọng là mô hình quản lý Làng, cách thức tổ chức, vận hành Làng đã thực sự phù hợp với tình hình thực tế hay chưa? Có được tính toán căn cứ trên phương thức, tiến độ huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng Làng?

Mỗi năm, Làng VHDLCDTVN đón tiếp nhiều thì vài trăm ngàn lượt khách, số tiền thu về từ bán vé, cộng với nguồn tiền ngân sách cấp hàng năm (theo tìm hiểu của phóng viên, dự toán ngân sách năm 2020 phân bổ cho Làng VHDLCDTVN là gần 27 tỷ đồng) được cho là không thấm vào đâu so với công tác vận hành, hoạt động của Làng. Sự “bắt tay” với ngành du lịch bất thành, thu không đủ chi dẫn tới việc sửa chữa, bảo trì rơi vào cảnh chắp vá, “giật gấu, vá vai” và thiếu tính hệ thống… âu cũng là điều dễ hiểu.

Trong bối cảnh mà việc phục dựng không gian kiến trúc, sinh hoạt của khoảng 15-16 dân tộc (như hiện nay) đã là vô cùng khó khăn, chầy chật, thì ước mong về một không gian văn hóa toàn cảnh 54 dân tộc anh em tại “ngôi nhà chung” chẳng biết đến bao giờ mới thành hiện thực. Và đương nhiên, mục tiêu của Làng “thông qua hoạt động để thu hồi một phần vốn, duy tu và phát triển” (theo Quyết định 667/1997/QĐ-TTg) lại càng trở nên xa vời.

Đừng để "lãng phí chồng lãng phí"

“Tôi nghe có người bảo Làng VHDLCDTVN hoạt động hiệu quả vì thúc đẩy đại đoàn kết dân tộc, mang ý nghĩa ngôi nhà chung dân tộc… Cách đánh giá đó tôi cho là huyễn hoặc, làm ru ngủ lòng người. Tổ chức một vài hoạt động, chi thật nhiều tiền, mời thật nhiều người quan trọng đến dự và nhìn vào đó để nói rằng đó là hiệu quả, cá nhân tôi thì không nghĩ thế”.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát huy giá trị di sản văn hóa Việt, nguyên Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam đã không ngần ngại khi chia sẻ thẳng thắn quan điểm của mình như vậy. Và ông cho rằng, đã đến lúc cần phải có các đánh giá độc lập một cách thực sự nghiêm túc về hiệu quả đầu tư, kinh tế, chính trị, từ đó có những quyết sách hợp lý cho mô hình này.

Cũng mang trong mình nỗi trăn trở đó, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thay vì tiếp tục rót hàng nghìn tỉ đồng ngân sách cho dự án Làng VHDLCDTVN, các cơ quan chức năng cần phải xem lại cách đặt vấn đề như vậy đã đúng hay chưa? Làm như vậy có khiên cưỡng không? Có duy ý chí không?...

Rõ ràng, chúng ta cần phải mạnh dạn thay đổi, không phải cứ “phê duyệt quy hoạch” rồi thì nhất nhất phải thế. Bởi nếu cứ kéo dài đầu tư trong tình trạng này chỉ càng khiến cho mọi công sức, tiền của trở nên lãng phí vô ích.

Thực ra, có rất nhiều cách để có thể làm tốt công tác bảo tồn. Ví dụ, có thể thực hiện bảo tồn ngay tại chính những vùng đất của đồng bào, ở nơi mà bà con đã và đang sinh sống qua nhiều đời, nhiều thế hệ. Đó mới thực sự là ngôi làng, là không gian văn hóa đích thực mà mỗi người đều trân trọng, nâng niu và luôn có ý thức giữ gìn.

Hoặc cũng có thể cân nhắc điều chỉnh về quy mô dự án, thay vì ôm đồm, dàn trải như hiện nay thì tập trung đầu tư một cách trọng tâm trọng điểm, như ý kiến của ông Lê Như Tiến: “Cần phải thu hẹp quy mô Làng VHDLCDTVN, chứ nếu cứ tiếp tục như thế, lãng phí sẽ lại chồng lãng phí”.

Thay vì mang trong mình niềm tự hào về một dự án văn hóa mà “trên thế giới cũng hiếm khu nào có được tầm cỡ như vậy”, tại sao chúng ta không tự hỏi, vì sao thế giới không làm vậy? Chắc chắn không phải vì họ không có tiền, càng không phải vì họ không coi trọng công tác bảo tồn văn hóa.

Ở một số nước như Thái Lan, Campuchia… cũng có những Làng VHDLCDT, nhưng hầu hết được đầu tư với quy mô vừa phải, đón rất đông khách tham quan với nhiều hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí thú vị. Những Làng VHDLCDT đó đã thật sự có đời sống của mình, có nguồn thu từ du khách mà vẫn quảng bá được văn hóa cũng như hình ảnh đất nước. Có lẽ, đó cũng là mô hình, hướng đi đáng để học tập.

Đầu tư văn hóa là đầu tư cho tương lai. Chúng ta không nóng vội, nhưng cũng không cho phép bất cứ một sự lãng phí nào. Sai thì phải sửa, không phù hợp thì phải chuyển đổi. Bảo tồn, phát triển văn hóa - dứt khoát không thể khiên cưỡng.