Sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Các đại biểu thống nhất rằng Luật điện ảnh cần khắc phục tình trạng “luật khung," “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi; bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực phát triển ngành điện ảnh.

Khi tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật điện ảnh sửa đổi, các đại biểu Quốc hội tập trung ba lĩnh vực là: sản xuất phim từ ngân sách Nhà nước, phổ biến phim trên không gian mạng, và xây dựng Quỹ hỗ trợ điện ảnh.

Đại biểu Bùi Huyền Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Việc xây dựng Quỹ hỗ trợ điện ảnh là không nên. Dự án nào cũng đề nghị có quỹ, nhưng qua những đợt giám sát của Quốc hội khóa XIV cho thấy, các quỹ này không hiệu quả. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng vậy, có lập ra nhưng không giải ngân được, như vậy rất lãng phí”.

“Việc lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh là dùng tiền của Nhà nước, chi tiêu cũng là từ ngân sách Nhà nước. Nếu thành lập Quỹ đương nhiên sẽ kéo theo một bộ máy để quản lý và điều hành quỹ này, đứng ở góc độ là môt doanh nghiệp, nếu coi điện ảnh là ngành kinh tế thì lập quỹ như vậy là tốn kém và thiệt hại cho Ngân sách.”, đại biểu Phạm Đức Ấn, cùng chia sẻ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội việc thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh là cần thiết: “Có một thực trạng là nhiều phim của chúng ta hiện nay đạt giải cao ở nước ngoài, nhưng lại bị cấm chiếu ở trong nước, bởi vì điện ảnh vận động theo nền kinh tế thị trường. Có những bộ phim được làm theo đặt hàng, theo những tài trợ của các quỹ nước ngoài, vì vậy họ không chịu “gò” theo hướng của điện ảnh và thị hiếu trong nước. Vì vậy chúng ta cần có một quỹ điện ảnh để điều tiết câu chuyện đó, quỹ đó sẽ giúp chúng ta có những bộ phim của người Việt, cho người Việt và vì người Việt, và như thế điện ảnh mới phát triển được”.

Dự thảo Luật quy định 2 phương án đối với hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước có thể lựa chọn giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Trong tờ trình, Chính phủ lựa chọn phương án 1, nhưng đa số ý kiến đại biểu Quốc hội lựa chọn phương án 2 và cho rằng, thực hiện hình thức đấu thầu nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân và phù hợp với Luật Đấu thầu. Cũng có đại biểu đề nghị không thực hiện hình thức đấu thầu đối với sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, có mức đầu tư thấp, yêu cầu gấp về thời gian.

Nhiều đại biểu quan tâm và đề nghị làm rõ sự điều chỉnh của Luật đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ phổ biến phim đến khán giả tại Việt Nam trên không gian mạng có máy chủ đặt tại nước ngoài.

“Theo Luật sửa đổi thì quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng chúng ta chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Phương án hậu kiểm được cho là phù hợp với thực tế hiện nay khi nước ta chưa có đủ điều kiện, năng lực đáp ứng yêu cầu tiền kiểm số lượng phim quá lớn được phổ biến trên không gian mạng. Tuy nhiên, việc hậu kiểm cũng tạo nguy cơ để lọt các phim vi phạm pháp luật, không phù hợp với văn hóa Việt Nam; tạo sự thiếu công bằng với việc tiền kiểm phim phổ biến trong hệ thống rạp và phim phổ biến trên truyền hình. Điều này là không công bằng với các phim được quản lý tiền kiểm. Nếu để nhà cung cấp tự phân loại, tự hiển thị kết quả, tự cảnh báo phân loại sẽ đán đến khả năng “lọt” phim có ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Rồi đến vấn đề bản quyền, an ninh mạng, mà để kiểm soát vấn đề này thì không chỉ Bộ VHTTDL mà còn liên quan đến Bộ Công An, Bộ Thông tin Truyền thông.”, đại biểu Bùi Huyền Mai phân tích.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng trong khâu kiểm duyệt phim, từ cấp Trung ương đến địa phương đều chỉ có một hội đồng nên không có sự cạnh tranh: “Tại sao không phá thế độc quyền trong khâu kiểm duyệt phim? Tôi đồng ý kiểm duyệt vẫn là do Nhà nước quản lý, nhưng cần có nhiều hội đồng kiểm duyệt, xét duyệt. các nhà làm phim sẽ chủ động chọn các hội đồng có uy tín để kiểm duyệt phim mình sản xuất tránh đi tình trạng hơi có vấn đề là không kiểm duyệt khiến chúng ta mất đi những bộ phim có tính vấn đề”.

Luật Điện ảnh năm 2006 tiếp cận phim, điện ảnh trên nền tảng truyền thống thay vì nền tảng kỹ thuật số như hiện nay; đồng thời, tiếp cận điện ảnh như một loại hình nghệ thuật. Trên thực tế, điện ảnh còn là một ngành công nghiệp văn hóa, thậm chí ở một số nước còn coi như một trong những ngành nghề kinh doanh mới nổi. Do vậy cần phải sửa đổi toàn diện, nhìn nhận điện ảnh không chỉ dưới tác phẩm văn học nghệ thuật mà còn ở sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa rất cao, như một ngành kinh tế, một ngành công nghiệp.

“Việc sửa đổi Luật Điện ảnh phải tạo ra hành lang pháp lý và chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là ngành văn hóa nghệ thuật, là ngành dịch vụ văn hóa, ngành kinh tế trong nền kinh tế thị trường, và hội nhập quốc tế về công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim...Luật khi ban hành phải tiếp tục thúc đẩy, phát triển nền nghệ thuật điện ảnh Việt Nam, vừa tiên tiến hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. yêu cầu bảo vệ và đảm bảo quyền sáng tạo, quyền hưởng thụ giá trị văn hóa, nghệ thuật của người dân và cộng đồng; phải tạo ra khuôn khổ pháp lý để điện ảnh thực hiện tốt chức năng giáo dục, bồi dưỡng nhận thức, tư tưởng, thẩm mỹ cho quần chúng.”, đại biểu Bùi Hoài Sơn bày tỏ mong muốn.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 52 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 25 điều, quy định mới 27 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua bao gồm: tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

Sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013; thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)… để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.