Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), vị chúa thứ 2 trong các đời chúa Nguyễn, là người có tầm nhìn chiến lược về Biển Đông trong ngoại thương và khai thác sản vật ngoài đảo, nên đã thành lập đội Hải đội Hoàng Sa. Trong suốt quá trình tồn tại hoạt đồng gần 200 năm, Hải đội Hoàng Sa không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà còn hun đúc nên nhiều thế hệ lính Hoàng Sa can trường và dũng cảm đã có công trong việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ quần đảo và nhất là đã dựng bia chủ quyền đầu tiên của nước ta trên quần đảo Hoàng Sa.

Nhà nghiên cứu Phạm Thúy Lan, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam cho biết: Theo sách “Phủ biên tạp lục”, sử gia Lê Quý Đôn ghi chép: Hải đội Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ khai thác sản vật tại quần đảo Hoàng Sa như “vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân” và các sản vật này đã có rất nhiều. Dưới thời các chúa Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa còn hoang vu và như một bãi cát mầu vàng, trải dài trên vùng biển. Bãi cát này cũng chính là nguồn gốc tên gọi Hoàng Sa hay Vạn Lý Hoàng Sa của quần đảo này.

Lực lượng của Đội Hoàng Sa được triều đình ấn định là trai tráng của xã An Vĩnh, Cù Lao Ré, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi, nay là huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Song song với nhiệm vụ khai thác sản vật và thu gom tài vật, Hải đội còn nhận lãnh nhiệm vụ ghi chép lại, đo đạc thủy trình từ đất liền ra quần đảo Hoàng Sa và vùng lân cận. Đây chính là các nhiệm vụ sơ khởi của Hải đội Hoàng Sa.

Cùng thời gian này, các chúa Nguyễn đồng thời cũng thành lập đội Bắc Hải từ Bình Thuận, có chức năng tương tự là khai thác hải sản và thu gom hàng hóa từ đảo đảo Côn Lôn, đảo Phú Quý và các đảo xứ Bắc Hải, tức vùng biển phía Bắc của Bình Thuận trở ra, bao gồm cả quần đảo Trường Sa. Hải đội Bắc Hải này cũng do Hải đội Hoàng Sa kiêm quản, do đó trong một số ghi chép và sử sách chính thống có nhắc tới cái tên Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa hay Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Lịch sử đã ghi nhận, đội quân này chính là những người đầu tiên xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa liên tục trong nhiều thế kỷ, từ nửa đầu thế kỷ 17.

Đến thời vua Minh Mạng, trong sách “Đại Nam thực lục chính biên” cho biết, vào năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), Bộ Công tấu vua hàng năm cho cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Vua Minh Mạng phê chuẩn trong bản tấu rằng: "Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng năm tấc, dày một tấc làm cột mốc". Việc dựng mốc chủ quyền này đã trở thành mốc son chói lọi trong công cuộc khẳng định và gìn giữ chủ quyền biển đảo quê hương.

Cũng trong chuyến đầu tiên cắm cột mốc này, Phạm Hữu Nhật, người làng An Vĩnh, được cử làm chánh đội trưởng suất đội Hoàng Sa.

Phạm Hữu Nhật sinh năm 1804, tên thật là Phạm Văn Triều, là thế hệ thứ tư của thủy tổ họ Phạm Văn ở cù lao Ré (tức đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi ngày nay). Các tư liệu còn lưu trữ trong Nhà thờ thứ phái họ Phạm Văn ở An Vĩnh (hiện do ông Phạm Văn Đoàn phụng tự) đã xác định Phạm Hữu Nhật là con trai của Phạm Văn Nhiên, thuộc đời thứ tư của ông Thủy tổ họ Phạm Văn- một trong 13 vị tiền hiền khai phá đất đảo Lý Sơn. Ngay từ khi còn trẻ, Phạm Hữu Nhật đã cùng ngư dân trong làng gia nhập đội Hoàng Sa.

Năm 1836, vâng mệnh vua Minh Mạng, với chức danh là Chánh đội trưởng suất đội Hoàng Sa, Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền gồm 50 người đi xem xét, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc và dựng bia chủ quyền của triều Nguyễn tại quần đảo Hoàng Sa. Mỗi binh thuyền đem theo 10 bài gỗ, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, trên có khắc dòng chữ "Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội trưởng Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chi thử lưu đẳng tự" (nghĩa là: năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây, để ghi nhớ).

Ở từng điểm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đội của ông đã dừng lại cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật. Đội quân của Phạm Hữu Nhật đã hoàn thành việc cắm mốc chủ quyền của nhà Nguyễn trên đảo Hoàng Sa. Đây là những cọc mốc chủ quyền đầu tiên của nước Đại Nam (tên gọi nước ta thời bấy giờ). Mặc dù cọc chủ quyền bằng gỗ tốt, vẫn bị hủy hoại theo thời gian, nhưng Châu bản triều Nguyễn vẫn còn lưu trữ cho đến tận ngày nay đã là một chứng cứ lịch sử rõ rệt đề cập đến việc xác lập chủ quyền trên đảo Hoàng Sa mà không ai có thể chối cãi được.

Không biết Phạm Hữu Nhật cùng Hải đội Hoàng Sa đã đi được bao nhiêu chuyến, nhưng đến chuyến cuối cùng vào năm 1854 thì ông và nhiều người cùng đi đã không trở về nữa. Gia đình, họ tộc và quê hương đã an táng ông bằng một nấm mộ chiêu hồn (còn gọi là mộ gió) không có hài cốt, chỉ có hình nhân nặn bằng đất sét với kỹ thuật đặc biệt, sau đó được thầy pháp chiêu hồn, sau đó an táng và được chăm sóc nghiêm cẩn.

Mộ của Phạm Hữu Nhật được đặt tại thôn Đông làng An Vĩnh, bên cạnh ngôi mộ của cụ Thủy tổ họ Phạm Văn, một trong 6 vị tiền hiền khai cư làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. Linh vị của Phạm Hữu Nhật luôn luôn hiện diện trong các miếu thờ lính Hoàng Sa như Âm Linh Tự trên đảo hay trong các lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa” được tổ chức vào ngày 20 tháng 2 âm lịch.

Những người lính Hoàng Sa được nhà vua gọi là những "hùng binh". Họ đã vâng mệnh triều đình đi làm nhiệm vụ khẳng định và bảo vệ chủ quyền của đất nước, mặc dù biết đi ra biển cả với thiết bị thô sơ là hiểm nguy, ra đi không hy vọng có ngày trở lại. Sử sách còn ghi rõ tên tuổi những vị cai đội, những binh phu thuộc các họ tộc quê ở Cù Lao Ré đi Hoàng Sa, Bắc Hải (tức Trường Sa) suốt hơn 300 năm và người dân Lý Sơn cũng luôn khắc cốt ghi tâm về công lao của họ.

Theo tư liệu nghiên cứu của bà Phạm Thúy Lan, trong số những người này, các vị thuộc tộc Phạm được nhắc đến khá nhiều trong các trang quốc sử triều Nguyễn. Đặc biệt có 2 vị là cai đội Phạm Quang Ảnh và Chánh đội trưởng Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật. Triều Nguyễn ghi nhớ công lao của 2 vị đã đặt tên Hữu Nhật và Quang Ảnh cho 2 hòn đảo lớn nằm ở phía nam quần đảo Hoàng Sa.

Đến đảo Lý Sơn ngày nay, ngoài những cảnh đẹp mê hồn nơi biển đảo quê hương, chúng ta còn được nghe những câu chuyện đầy xúc động về hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa, những người đầu tiên đã thực hiện căm mốc, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc từ mấy trăm năm trước.

Xin mời nghe âm thanh tại đây: