Diễn đàn “Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa” do Ban Quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức là một trong những hoạt động cụ thể trong tiến trình thực hiện chiến lược phát triển sự nghiệp văn hóa đến năm 2030, thiết thực triển khai chương trình hoạt động trọng tâm của năm 2022 với chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức - cán bộ” của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Gần 300 đại biểu tham dự diễn đàn là các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, người làm công tác văn hóa và đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số thể hiện tầm quan trọng của vấn đề được nêu. Diễn đàn là một hoạt động thiết thực nhằm triển khai có hiệu quả những nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 và cũng là điểm nhấn nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt nêu rõ, vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa đã và đang trở nên cấp thiết. Mục tiêu đặt ra là làm sao để giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa Việt Nam thẩm thấu vào mọi lĩnh vực xã hội, lối sống của cộng đồng. Qua đó, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng nhân cách, đạo đức con người Việt Nam hướng tới chân - thiện - mỹ. “Việt Nam chúng ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có một truyền thống văn hóa riêng, nhưng trong đó có nhiều giá trị văn hóa thống nhất, tương đồng trở thành giá trị văn hóa chung của đất nước. Vì vậy, chúng ta khẳng định nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, hay như Bác Hồ đã nói: “Mỗi dân tộc là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp”. Vậy, các giá trị văn hóa truyền thống có vai trò thế nào trong xây dựng môi trường văn hóa là vấn đề chúng ta cần bàn đến” - Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt, môi trường văn hóa cơ sở là môi trường trong từng gia đình, từng cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, môi trường văn hóa gia đình và cộng đồng dân cư sẽ tạo nên nền tảng đạo đức xã hội; môi trường văn hóa doanh nghiệp góp phần tạo nên nền tảng kinh tế; môi trường văn hóa công sở, cơ quan, đơn vị... sẽ góp phần tạo nên nền tảng chính trị. Sự kết hợp cả ba môi trường văn hóa đó sẽ tạo thành cốt cách con người Việt Nam, thành nền tảng tinh thần xã hội đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Lâm Đồng là tỉnh phía Nam của Tây Nguyên, nơi sinh sống của 47 dân tộc anh em, với nhiều tôn giáo khác nhau. Đó vừa là những thách thức nhưng cũng là một lợi thế. Tham dự diễn đàn, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong những năm qua tỉnh đã phát huy được lợi thế của sự đa dạng văn hóa các dân tộc, đặc biệt là vai trò của các già làng trưởng ban trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc cũng được chú trọng. Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng vận dụng sáng tạo phát huy các lợi thế trong phát triển du lịch, tạo nên giá trị kinh tế từ văn hóa và môi trường văn hóa văn minh. "Tỉnh Lâm Đồng đã phát huy và tận dụng thế mạnh về nông nghiệp để phát triển du lịch nông nghiệp, cùng với đó là giới thiệu những nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào như đồng bào K’ho. Trong số hơn 7 triệu du khách đến với Lâm Đồng thì khoảng 3,5 triệu khách đến với đồng bào K’ho và không gian cồng chiêng. Điều đó cho thấy vai trò của văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tiến trình phát triển du lịch”. Ông Phạm S chia sẻ.
PGS.TS Lâm Bá Nam, Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng: Việt Nam là quốc gia đa dân tộc kể từ thời dựng nước và do đó chúng ta là quốc gia đa văn hóa. Những giá trị văn hóa tộc người và văn hóa quốc gia được hun đúc và tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác, trở thành tài sản vô giá của đất nước. Tuy nhiên, theo PGS.TS Lâm Bá Nam, trong quá trình phát triển, sự biến đổi văn hóa là tất yếu. Do vậy trước hết cần phải nhận diện hệ giá trị trong bức tranh văn hóa vùng và tộc người: “Vấn đề là giải quyết các mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng để tạo ra sức mạnh nội sinh của văn hóa cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tộc người, giải quyết mối quan hệ giữa truyền thống và biến đổi trong quá trình hội nhập và phát triển”.
GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, phải coi môi trường văn hóa các dân tộc là một nền tảng trong xây dựng môi trường văn hóa. "Đặc biệt cần hết sức quan tâm đến môi trường văn hóa tộc người (từ thực hành sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, văn hóa nghệ thuật, văn hóa tri thức...) bởi đó là môi trường mà cộng đồng được nuôi dưỡng, lớn lên, hình thành nhân cách, phẩm chất. Môi trường văn hóa tốt đẹp sẽ tạo nên những con người có văn hóa của dân tộc ấy".
Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong các hoạt động, sự kiện văn hóa. "Cộng đồng phải được tham gia bàn bạc, lên kế hoạch tổ chức sự kiện từ đầu. Khi đó, họ sẽ tạo ra những dấu ấn chân thành, mộc mạc, chân thực của riêng họ. Đây là yếu tố khẳng định giá trị văn hóa dân gian từ ngàn đời cha ông để lại".
TS Trần Hữu Sơn, Viện nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch nêu quan điểm: Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, tuy nhiên, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác này cần căn cứ vào các đặc điểm riêng của từng địa phương, chính sách, nguồn lực và phương thức phù hợp: “Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và càng khó khăn hơn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đòi hỏi những giải pháp có tính cấp bách cũng như lâu dài. Trong đó, tập trung đổi mới cơ chế đầu tư, phân bổ kinh phí cho miền núi, vùng cao; sử dụng mạng xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa; chú trọng phát huy thể chế quản lý truyền thống với vấn đề xây dựng môi trường văn hóa".
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định tinh thần nhất quán rằng “Văn hóa là nguồn lực nội sinh trực tiếp trong sự phát triển của đất nước” và “con người là trung tâm của mọi nguồn lực”. Nếu có phương thức phù hợp sức mạnh nội sinh từ bản sắc văn hóa phong phú và đặc sắc sẽ được phát huy tạo nên sức mạnh phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh dưới đây: