Nổi tiếng với nghề trồng cói và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cói, những người nghệ nhân làng cói Kim Sơn, Ninh Bình đã luôn sắt son bền bỉ theo đuổi cái nghề của cha ông để lại suốt hơn 200 năm nay. Để làm nên một sản phẩm cói mỹ nghệ, người thợ phải dành nhiều thời gian để chăm chút, tỉ mẩn trong từng khâu từ lúc mới trồng cói cho đến khi thu hoạch, chọn cói, chẻ, phơi, nhuộm và khâu cuối cùng là đan, dệt, hoàn thiện sản phẩm.

Nghệ nhân Đỗ Văn Tấn cho biết, sinh ra và lớn lên ở làng nghề cói nên hầu như ai cũng có tố chất của một người thợ thủ công chân chính. Ngoài ra, chính những đôi tay khéo léo cùng sự nhạy bén, đam mê với nghề, họ đã đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe nhất của nghề làm sản phẩm mỹ nghệ từ cói. "Chúng tôi cũng phải tìm hiểu để nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng để sáng tạo ra những mẫu mã sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách. May mắn là những nỗ lực đó được đền đáp xứng đáng khi tất cả các sản phẩm làm ra đều được khách hàng đón nhận nhiệt tình. Đó vừa đem lại thu nhập nhưng cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục phát huy nghề truyền thống của Kim Sơn".

Mở đầu câu chuyện, nghệ nhân Ưu tú người Xê-Đăng A Lễ bảo, ông may mắn được sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ông biết đánh cồng, chiêng từ năm 13 tuổi, độ thành thạo nhạc cụ dân tộc cứ thế được nâng dần lên theo mỗi mùa lễ hội và sự tập luyện của bản thân. Nghệ nhân A Lễ là người duy nhất của Kon Chênh còn biết làm và thổi Tà Vẩu với nhiều bài dân ca. Không những thế, ông còn rất giỏi đan lát và hầu như trong nhà ông không dùng "đồ sinh hoạt hiện đại" nhiều, mà chỉ dùng những thứ ông tự tay đan.

Nghệ nhân A Lễ cũng thường xuyên tổ chức dạy cồng chiêng dạy thổi Tà Vẩu và cách đan lát cho lớp trẻ.

Tham dự chương trình "Quà tặng của nhân gian", nghệ nhân dân gian, nghệ nhân Ưu tú Brol Vẻ, dân tộc Giẻ Triêng ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum rất vui khi được giao lưu, chia sẻ về văn hóa và các loại nhạc cụ của dân tộc mình với bạn bè trong nước và quốc tế. Nghệ nhân Ưu tú A Brol Vẻ là một trong số ít những người đầu tiên của tỉnh Kon Tum được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào năm 2009. Ông là người có khả năng chế tác và sử dụng thành thạo 12 loại nhạc cụ. Ngoài nắm vững các phong tục tập quán truyền thống của dân tộc mình, ông còn có biệt tài chế tác và sử dụng tất cả các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình như: Chiêng Sum, Trống, Khèn, Đinh tút…

"Từ nhỏ tôi được cha dạy làm nhạc cụ vì cha tôi là người có tài ca hát và chế tác các loại nhạc cụ nên cứ thế những thanh âm nhạc cụ, làn điệu hát của dân tộc ngấm dần vào máu thịt. Hiện tại tôi cùng với một số nghệ nhân đang tiếp tục truyền dạy kỹ thuật chơi nhạc, thổi khèn, sáo, đánh cồng chiêng và đặc biệt là cách chế tác nhạc cụ cho các thanh niên trong làng".

Theo TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chương trình "Quà tặng của nhân gian" được thực hiện với mục đích giới thiệu những nghệ nhân là tinh hoa của các địa phương cùng những sáng tạo độc đáo của họ. Lần đầu tiên các nghệ nhân từ những nơi rất xa xôi hẻo lánh hội tụ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi đang định hướng trở thành không gian sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt tối 4/1/2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật biểu diễn bộ sưu tập áo dài và thời trang của các Nhà thiết kế: Silky Vietnam, Viết Bảo, Minh Hạnh với các sản phẩm tơ lụa truyền thống và thổ cẩm các vùng miền. Chương trình có sự tham gia của các ca sĩ NSND Thanh Lam, NSƯT Thùy Anh, Ca sĩ Y nhíp, Khang Ngọc cùng 50 người mẫu.