Số hóa bảo tàng là xu hướng tất yếu của các bảo tàng trên thế giới khi mà trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc tiếp cận thông tin, hiện vật trực tiếp gặp khó khăn thì bảo tàng số sẽ giúp cho công chúng dễ dàng truy cập và tham quan trên không gian mạng. Số hóa cũng là cách để lưu giữ và trưng bày hiện vật tốt cho tương lai, trong sự mở rộng đa chiều về không gian.

Nước ta hiện có 147 bảo tàng, trong đó 36 bảo tàng của bộ ngành, 83 bảo tàng ở tỉnh, thành phố và 4 bảo tàng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Thời gian qua, một số bảo tàng sau khi ứng dụng khoa học công nghệ vào gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, các hiện vật bảo tàng nói riêng đã tạo ra cơ hội mới trong việc hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân thưởng ngoạn những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Tham quan, tương tác với các hiện vật bảo tàng trên không gian ảo thực sự đã mang lại rất nhiều thú vị cho các du khách.

Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên hiện đang lưu giữ trên 35 nghìn hiện vật cùng 3 phòng trưng bày chuyên đề. Thời gian trước đây, bảo tàng chủ yếu trưng bày theo tính chất truyền thống và đón khách đến xem trực tiếp. Từ năm 2020, bảo tàng tỉnh Thái Nguyên bắt đầu tiếp cận với những hoạt động ứng dụng chuyển đổi số trong chuyên môn nghiệp vụ, công tác trưng bày tuyên truyền, số hóa hiện vật, xây dựng các video clip giới thiệu và bước đầu đã có những tín hiệu khả quan.

“Tổng số hiện vật được số hóa mặc dù rất là ít ỏi, chỉ có 430 hiện vật thôi nhưng đã gợi mở nhiều điều. Trong tương lai chúng tôi tiếp tục số hóa quản lý tài liệu hiện vật trên hệ thống phần mềm để phục vụ công tác tra cứu, khai thác hiện vật một cách hiệu quả. Ngoài ra, sẽ tiếp tục các triển lãm online giới thiệu trên các trang web của bảo tàng cũng như các clip giới thiệu, trưng bày các hiện vật tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên” - bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng phòng Nghiên cứu – Sưu tầm Bảo tàng cho biết.

Tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, từ đầu năm nay cũng xây dựng chuyên đề online đầu tiên với chủ đề “Tuổi trẻ Nghệ An trên quê hương Xô Viết anh hùng” với hai hình thức trưng bày 3D và xây dựng video clip. Những hình thức trưng bày mới này đã góp phần chủ động tiếp cận công nghệ số, rút ngắn khoảng cách giữa bảo tàng và khách tham quan.

“Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong trưng bày chuyên đề online là một xu thế tất yếu của các bảo tàng trong thời đại 4.0 hiện nay. Những ưu thế vượt trội đó phục vụ được đa dạng nhu cầu của công chúng, phù hợp với điều kiện, thời gian, không gian và nhu cầu thông tin từ khái quát cho đến trải nghiệm, giúp cho khách tham quan có nhu cầu tiếp cận gần hơn các sưu tập hiện vật ” - bà Nguyễn Thị Hội, cán bộ chuyên môn của bảo tàng khẳng định.

Trong lần đầu tiên ra mắt ứng dụng công nghệ số, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã thu hút gần 515 nghìn lượt truy cập, hơn 12 nghìn lượt chia sẻ. Đây là những tiền đề quan trọng để bảo tàng tiếp tục nâng cao năng lực ứng dụng khoa học công nghệ để đạt được lượng tương tác cao hơn trong thời gian tới.

“Trưng bày 3D sự kết hợp giữa hình ảnh và thuyết minh sẽ giúp người xem hình dung được toàn bộ nội dung của chuyên đề hướng tới và người xem được trải nghiệm không gian trưng bày 3D tốt, được tương tác trực tiếp, nội dung sinh động, đầy đủ các hình thức tương tác như hướng đi lại ở trong phòng, hướng nhìn, âm thanh chữ viết và lời thuyết minh, tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, đường truyền phải cao ổn định” – bà Nguyễn Thị Hội chia sẻ.

Thời gian qua, Bảo tàng Tuổi trẻ cũng đã có những tiếp cận với công nghệ mới trong việc lưu giữ tư liệu hiện vật và trưng bày, đồng thời bắt đầu có những manh nha về bảo tàng số trực tuyến trên không gian mạng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc bảo tàng thì công việc hiện đang được tiến hành khẩn trương: “Nền tàng chúng tôi thiết kế là dùng chung một số công nghệ. Chúng tôi đã sử dụng để xây dựng bảo tàng lưu động và cập nhật các cơ sở dữ liệu, phát triển ứng dụng và sắp tới sẽ ra mắt Bảo tàng số chính thức vào thời điểm Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 12 tháng 12/2022. Sau đó, chúng tôi phát triển đồng loạt từ Trung ương đến địa phương, sẽ là một hệ sinh thái bảo tàng”.

Có thể thấy, phần lớn các bảo tàng ở nước ta đã ứng dụng công nghệ số trong việc bảo tồn, giáo dục di sản ở các mức độ khác nhau. Các bảo tàng đều đã có Website, số hóa một số hiện vật dưới dạng 2D, 3D, xây dựng các video clip, liên kết các mảnh ghép của không gian, thời gian thành các câu chuyện hiện vật sống động.

“Đã đến lúc công nghệ với bảo tàng như cá với nước rồi. Chúng ta thấy hầu hết các bảo tàng hiện nay đều đã sử dụng công nghệ số, nhất là các bảo tàng có điều kiện đã sử dụng công nghệ số để phục vụ cho các khâu công tác bảo tàng, đặc biệt là số hóa trưng bày online. Những kết quả này cực kỳ quý báu để chúng ta có thể hình dung được là giữa bảo tàng và công nghệ số hiện nay nó ở mức nào và chúng ta cần đánh giá nhận định cho bước đường tiếp theo của mỗi bảo tàng ra làm sao thì đây là điều rất cần thiết” - Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam cho biết.

Theo thống kê, nước ta hiện đã có 3 bảo tàng bán được Blog để lấy kinh phí duy trì hoạt động, 2 bảo tàng đã ứng dụng đồng bộ trên nền tảng Android và IOS, cho phép khách tham quan tải App và sử dung quét mã QR để xem câu chuyện hiện vật, từ đó có thể thu được kinh phí qua trưng bày cố định và trưng bày chuyên đề. Một số bảo tàng đã thực hiện trưng bày trực tuyến, phục vụ nhiệm vụ chính trị, chuyên môn rất hiệu quả, góp phần bảo tồn và giáo dục di sản văn hóa.

Có thể nói, cho dù có hay không có dịch Covid-19 thì xu hướng số hóa và ứng dụng công nghệ số trong bảo tàng và phát huy di sản văn hóa là điều tất yếu. Dịch Covid-19 chẳng qua giống như là một tác nhân để các bảo tàng nhìn nhận vai trò của công nghệ số, đồng thời thúc đẩy quá trình số hóa và công nghệ số một cách nhanh hơn và rộng hơn.

Xin mời nghe âm thanh tại đây: