Những năm 90 của thế kỷ trước, đất nước bắt đầu mở của, kinh tế bớt dần khó khăn, cuộc sống người dân ở các đô thị khấm khá hơn. Nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ xuất hiện, đặc biệt trong giới trẻ. Đó cũng được xem là thời kì “hoàng kim” của nhạc nhẹ. Ngày đó, ở Thủ đô Hà Nội, phong trào ca nhạc sinh viên diễn ra sôi nổi ở khắp các tụ điểm âm nhạc như Trung tâm Phương pháp CLB, Nhà văn hóa Thanh niên Hồ Thiền Quang… đem đến một màu sắc văn hóa mới văn minh và hiện đại. Những đêm nhạc đó đến giờ vẫn còn sống động trong ký ức những người có một thời tuổi trẻ những năm 90.

NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thành viên ban nhạc Hoa Sữa kể lại: “Những đêm Dạ hội Sinh viên là những đêm chúng tôi được sống, được hát cùng nhau. Đó là những điều còn nhớ mãi, lưu lại trong tâm trí rất nhiều người cho đến ngày hôm nay. Đến tuổi này nhìn lại, chúng tôi đã từng có thời được chìm đắm trong tất cả những dòng nhạc hay nhất của thế giới”.

Thời đó, âm nhạc quốc tế theo chân những du học sinh, lao động người Việt về nước, dần thâm nhập vào đời sống văn hóa Việt Nam. Vừa bước ra khỏi khó khăn, những sản phẩm văn hóa mới mẻ thời thượng này có một sức hút khó cưỡng với tầng lớp thanh niên sinh viên những năm 90. Nhạc sỹ Tạ Ngọc Hưng, thành viên ban nhạc Hoa Sữa cho biết: “Tuổi trẻ của chúng tôi là vào cuối những năm 80 – 90. Lúc ấy vô cùng khó khăn đói kém. Đời sống vật chất bình thường, đời sống tinh thần càng đói kém hơn! Chúng tôi cứ phải giấm giúi truyền tay nhau đọc đọc chép chép các quyển sách kinh điển như Vụ án thành Paris, Chú Kim đi xe đạp...”.

Còn với guitarist Trần Tuấn Hùng, ban nhạc Bức Tường – gương mặt nổi bật trong phong trào văn nghệ học sinh sinh viên, thời tuổi trẻ sôi động đó là những ký ức không thể quên: “Chúng tôi may mắn sinh ra trong thời kì đất nước có sự đổi mới, âm nhạc thế giới đã du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau. Từ tình yêu âm nhạc, những sinh viên thế hệ đó bắt tay nhau tạo ra những đêm nhạc như những cơn mưa rào tưới mát tâm hồn cho những sinh viên thời đó”.

Những giai điệu mới mẻ, cuốn hút từ The Beatles, Queen, ABBA, Smokie, Bee Gees, Boney M, Pink Floyd, Dire Straits, Deep Purple, Metallica… tạo nên làn sóng đam mê bất tận với lớp thanh niên, sinh viên thế hệ đó. Từ yêu thích đến tập hát theo, chơi theo. Ham mê yêu thích âm nhạc, xuất phát từ các hoạt động Đoàn đội, phong trào tổ chức dạ hội sinh viên bắt đầu hình thành và phát triển vô cùng sôi động tại Thủ đô.

Những buổi Dạ hội Sinh viên liên tục diễn ra rầm rộ tại các trường Đại học lớn như Tổng hợp, Xây dựng, Ngoại ngữ, Ngoại thương, Bách Khoa… thu hút sự tham gia của hàng vạn sinh viên thanh niên, trở thành chuỗi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí phổ biến đối với giới trẻ lứa tuổi 6X, 7X và đầu 8x. Rất nhiều ban nhạc Sinh viên đình đám đã ra đời trong khoảng thời gian đó như Hoa Sữa, Chìa Khóa Vàng, The Time, Cỏ Dại, Đại Bàng Trắng, Những Bậc Thang, Bức Tường, Sao Mai, Desire, Beatles Xây dựng, The Light, Buratinox, Mutation, Ngựa Hoang…

Nhạc sỹ Tạ Ngọc Hưng kể lại: “Phong trào Dạ hội Sinh viên ban đầu nhen nhóm trong các nhóm ở ký túc xá, sau đó lên đến khoa, to hơn là cấp trường rồi cuối cùng là đến địa chỉ 19 Lê Thái Tổ của Trung tâm Phương pháp Câu lạc bộ. Hồi đó may mắn chúng tôi được trung tâm mời làm cộng tác viên, thường chơi ở đấy, nhạc cụ cũng để cả ở đấy".

"Hồi đó sách vở tài liệu rất khó khăn, đâu dễ kiếm. Chúng tôi ra chỗ anh Dũng ở Quang Trung mua băng đĩa về chép, cứ nghe mà chép thôi, rồi bắt chước đánh theo giống nhất có thể! Hồi đó hay chơi mấy bài sôi động như Beat It (Michael Jackson), Bee Gees... Các dạ hội chơi nhạc luôn bắt đầu bằng là mấy bài sôi động để quẩy tới bến. Sau đó đến giữa chương trình dần chuyển sang các bài tình cảm nhẹ nhàng mùi mẫn để tạo không khí cho các đôi", nhạc sỹ Tạ Ngọc Hưng nói.

Thời đó, nhạc cụ hết sức thô sơ, hầu hết chỉ có những cây đàn guitar “thùng”, guitar điện và trống cũ. Đời sinh viên lại nghèo, ăn còn chưa đủ no… để tập được nhạc là cả một sự cố gắng nỗ lực vô cùng. Nhạc sỹ Phạm Ngọc Khôi nhớ lại cách mà ban nhạc Hoa Sữa của ông tập luyện với nhau: “Âm nhạc quốc tế - ví dụ như ABBA - rất khó đánh. Đánh được như họ là phải có cả dàn nhạc công phu chất lượng hàng đầu thế giới".

Nhưng khi vào đến Việt Nam và xuống đến phong trào sinh viên Hà Nội thì chúng tôi chỉ có nghe và bắt chước đánh theo sao cho gần giống nhất có thể chứ làm gì có bản nhạc mà nhìn. Ban nhạc chúng tôi có 5 thành viên, chia cho 5 cuộn băng cassete anh em cùng về nghe và chép. Chép đi chép lại đến rão cả băng, lệch cả tông, phải nhớ lại tông cũ mà tập”. Vậy mà từ những khó khăn ấy, các thành viên Hoa Sữa sau này đều trở thành những nhạc công, nhạc sỹ tên tuổi hàng đầu Việt Nam.

Không chỉ âm nhạc, phong cách sống, phong cách thời trang của những ca sỹ, ban nhạc nổi tiếng thời kỳ đó đã trở thành những biểu tượng văn hóa đại chúng, mang lại ảnh hưởng tích cực, truyền cho giới sinh viên Việt Nam nguồn cảm hứng lớn lao về những giá trị tử tế. Thông qua tập luyện âm nhạc cũng giúp rèn giũa nên một thế hệ những thanh niên kiên trì, bền bỉ vượt qua gian khó, nỗ lực khẳng định mình. Những kỹ năng có được từ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí lại trở thành hành trang cho họ vào đời sau này trở thành những con người có ích cho xã hội.

Guitarist Trần Tuấn Hùng tâm sự: "Các đêm Dạ hội Sinh viên là môi trường chúng tôi được thỏa sức ca hát, nói lên tiếng nói của mình. Đó là nơi kết nối tạo ra những tình bạn và tình yêu đẹp, nuôi dưỡng tâm hồn cho cả một thế hệ thanh niên hồi đó để trở thành những nhân tố có ích cho xã hội”.

Dễ đến dễ đi, khó đến thì bền lâu. Thời kỳ đó không có mạng xã hội, việc kết nối với nhau khó khăn hơn nhưng một khi đã thân nhau, đã là bạn của nhau thì mấy chục năm sau vẫn là bạn. Trải qua nhiều năm, những ca sỹ, ban nhạc sinh viên ngày ấy nay đã ở lứa tuổi U50, U60, thành những nghệ sỹ nổi tiếng, những chính khách, trí thức, doanh nhân thành đạt, chiếm nhiều vị trí quan trọng trong xã hội. Nhưng nói đến âm nhạc, đến nghệ thuật, trong mắt họ lại bừng cháy lên ánh lửa đam mê, khát khao bất tận.

Những thanh niên ngày ấy đã họp nhau lại, để cùng tái hiện những năm tháng tuổi trẻ dại khờ nhưng cũng rất huy hoàng. Dạ hội Cựu Sinh viên Thủ đô 2022 sẽ làm sống dậy không khí sôi động ngày đó.

Anh Phạm Ngọc Thành, trưởng nhóm nhảy Big Toe chia sẻ, dù bận đến mấy anh cũng hò hét anh em tập luyện để có một đêm trình diễn đã đời: “Anh em đều có công việc riêng, nhưng đều cố gắng thu xếp để tham gia. Bởi nếu bây giờ không làm thì sau một thời gian nữa sẽ không thể làm được nữa. Đam mê của mình sẽ có thêm một dấu ấn, một kỷ niệm mình được sống lại trong một khoảnh khắc, trước khi tuổi già ập đến và mình không thể làm được gì nữa”.

“Chương trình Dạ hội của chúng tôi lần này không có ca sỹ ngôi sao, không có vedette, không có giới hạn nào giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư", chị Nguyễn Mỹ Trang, Phó Giám đốc công ty Mỹ Thanh - đơn vị tổ chức chương trình chia sẻ. "Chúng tôi cũng không tôn vinh ca sỹ hay một ban nhạc nước ngoài cụ thể nào. Tất cả chúng tôi sẽ cùng tôn vinh một thời kì khó quên của cuộc đời, tôn vinh thời thanh xuân rất gian khó nhưng cũng đầy đam mê, tôn vinh một giai đoạn đã làm nên con người chúng tôi ngày hôm nay”.

Dạ hội Cựu sinh viên Thủ đô 2022 diễn ra vào chiều tối 16/4 tại khuôn viên trường ĐH Tổng hợp cũ (nay là ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc Gia Hà Nội) với sự tham gia của nhiều ca sỹ, ban nhạc cựu Sinh viên Thủ đô như: Hoa sữa, Chìa khóa vàng, Bức Tường, Cỏ Dại, The Time, Desire, Những bậc thang, Ngựa hoang, Buratinox-Mutation-The Light, FPT Band; nhóm nhảy Big Toe - C.O - ZigZag; MC Thảo Vân, MC Đinh Tiến Dũng, Nhóm Sao Mai, ca sỹ Thùy Dung, Ngô Việt Khôi, Kiều Trinh, Liên Trịnh…

Nghe âm thanh bài viết tại đây: