"Tâm họa tri ân" là sự kiện nhằm giới thiệu tâm huyết, nghĩa cử cao đẹp của nữ hoạ sĩ Đặng Ái Việt thông qua hành trình 14 năm “hối hả chạy đua với thời gian”, vượt qua hàng trăm ngàn cây số, đi không biết bao nhiêu vòng đất nước bằng xe máy để ký hoạ hàng ngàn bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân những đóng góp hy sinh của các thế hệ phụ nữ Việt Nam, các bà Mẹ Việt Nam anh hùng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết, từ năm 2010, khi đã ở tuổi 62, bà bắt đầu thực hiện hành trình vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống để lưu lại những dấu ấn thời gian trên gương mặt của mỗi người mẹ. Đó cũng là hành trình tự nguyện, tự tâm, “không ai phân công tôi đi vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đó là mệnh lệnh từ trái tim, là cuộc chạy đua với thời gian để kịp đến gặp được các Mẹ trước khi quá muộn".

Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Liện hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, rất khâm phục tài năng và tấm lòng của họa sĩ Đặng Ái Việt khi họa sĩ thực hiện hành trình vô cùng ý nghĩa này. Chiêm ngưỡng 63 bức ký họa chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng đại diện cho hơn 3.000 bức ký họa mà họa sĩ đã sáng tác trong hành trình hơn một thập kỷ qua, chúng ta sẽ hiểu được thế nào là tình yêu, là nhiệt huyết của người cán bộ Hội Phụ nữ giải phóng miền Nam dành cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, để từ đó trân trọng hơn nghĩa cử rất cao cả và vô cùng trân quý của hoạ sĩ Đặng Ái Việt.

"Sự kiện này vô cùng ý nghĩa nhằm tưởng nhớ, tri ân những người có công đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ ơn người trồng cây” của dân tộc ta. Những tác phẩm nghệ thuật vô giá này sẽ được lưu giữ trang trọng tại các bảo tàng để các thế hệ con cháu chúng ta ngân mãi câu ca “Hát về những người mẹ Việt Nam, hát về những người mẹ anh hùng”, các thế hệ phụ nữ Việt Nam mãi tự hào về truyền thống phụ nữ Việt Nam và cảm phục tấm lòng của một nữ họa sĩ".

Không chỉ sáng tác, trưng bày, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật tới đông đảo công chúng, nữ họa sỹ Đặng Ái Việt còn trao tặng cho một số bảo tàng, trong đó phần lớn tác phẩm của bà được trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để lưu giữ và trưng bày.

“Tâm họa tri ân” trưng bày 63 bức chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng, mang hình ảnh về sự đóng góp hy sinh của các bà mẹ trong công cuộc giành độc lập dân tộc ở 63 tỉnh thành trong cả nước giới thiệu tới công chúng. Đặc biệt trong triển lãm lần này, những kỷ vật của họa sỹ Đặng Ái Việt cũng được trưng bày gắn với nhiều câu chuyện cảm động khi bà đến với mỗi Mẹ: chiếc xe máy Cup 50 - người bạn đồng hành cùng họa sỹ; những hiện vật đời thưởng dung dị như ca đun nước, ca uống nước, ruột tượng dùng đựng gạo mà nữ họa sĩ sử dụng trong suốt cuộc hành trình của mình.

Triển lãm mang tới mỗi người cảm xúc sâu lắng về sự hy sinh lớn lao, tấm lòng kiên trung, sáng ngời của các mẹ, đã gửi gắm tất cả tình yêu và hy vọng vào những người con ra đi bảo vệ Tổ quốc. Những câu chuyện về bà Mẹ Việt Nam anh hùng là những trang sử sống động, thể hiện rõ nét giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Trong khuôn khổ chương trình, công chúng được lắng nghe những chia sẻ về tâm nguyện cuộc đời, lý tưởng sống và cống hiến cho Tổ quốc cùng những câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng về hành trình không chỉ cho riêng mình của họa sĩ Đặng Ái Việt và các khách mời.

Với họa sĩ Lê Quyết Thắng, trưởng nhóm Team Lee (nhóm họa sĩ trẻ vẽ bằng công nghệ AI) chia sẻ về câu chuyện phục chế di ảnh của các Anh hùng, Liệt sĩ trong suốt 2 năm qua bằng công nghệ AI. Anh Thắng cho biết, khi phục dựng ảnh chân dung các liệt sĩ, chúng tôi chỉ tâm niệm một điều là để cho các gia đình "đoàn viên” thông qua những bức ảnh. Đây như một lời tri ân đến các anh hùng đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, họ xứng đáng nhiều hơn nữa, ngoài một bức ảnh nguyên vẹn.

"Mặc dù mỗi người trong nhóm còn có công việc chính nhưng hằng ngày vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian để cùng nhau tiến hành dự án. Phục dựng mỗi bức ảnh trung bình mất từ 4 đến 6 tiếng. Khó nhất là khi nhận những bức ảnh bay màu, cũ mờ, rách nát, không rõ chi tiết. Khi trao gửi tác phẩm lại cho chính quyền địa phương, thân nhân Liệt sĩ, mọi người rất vui, có người đã khóc vì xúc động, đó là nguồn cổ vũ lớn lao để chúng tôi tiếp tục cống hiến, tri ân các chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc", anh Thắng tâm sự.

Họa sĩ Đặng Ái Việt (tên thật là Đặng Thị Bông) sinh năm 1948, tại Tiền Giang

Năm 2010, 2011 và 2014, họa sĩ Đặng Ái Việt lần lượt được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam và Sách kỷ lục Châu Á xác nhận là người phụ nữ đầu tiên sử dụng xe Chaly đi khắp 63 tỉnh, thành ký họa chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng và là người vẽ chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất.

Ngày 13/11/2020, họa sĩ Đặng Ái Việt được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới