Mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam là đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt 111% kế hoạch đặt ra với gần 8,9 triệu lượt khách. Trong đó, riêng tháng 9, đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp du lịch nước ta đón trên 1 triệu lượt khách ngoại kể từ sau khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19. Từ kết quả khả quan đó, ngành du lịch đã quyết định nâng mục tiêu đón du khách quốc tế năm nay lên 12,5 - 13 triệu lượt khách, tăng khoảng gấp rưỡi so với mục tiêu ban đầu.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, TGĐ Flamingo Redtour, Trưởng ban Truyền thông và Chuyển đổi số Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc điều chỉnh chỉ tiêu đón khách quốc tế của ngành du lịch nước nhà trong năm nay cho thấy các định hướng, mục tiêu phát triển du lịch của chúng ta đã đi đúng quỹ đạo và đã có sự tăng trưởng tốt, cụ thể là các chủ trương chính sách về thúc đẩy thu hút du khách đã đi vào cuộc sống và đã phát huy hiệu quả nhất định. Điều này sẽ tạo động lực rất lớn cho những người làm trong ngành du lịch khi mà chúng ta có thể tự tin phát triển được kế hoạch thu hút du khách trong những tháng cuối năm
"Nếu như 9 tháng đầu năm chúng ta đạt được khoảng 9.000.000 lượt khách, tức là trung bình 1 triệu lượt khách/tháng thì với việc đưa mục tiêu mới là 12,5 đến 13 triệu lượt khách quốc tế tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể tự tin đạt được con số này vì từ nay đến cuối năm là thời kỳ cao điểm đón khách quốc tế của du lịch Việt Nam. Việc mỗi tháng đón khoảng 1,2 - 1,3 triệu lượt khách quốc tế cũng chỉ là con số nhỉnh hơn trung bình chung những tháng trước đây một chút", ông Nguyễn Công Hoan khẳng định.
Tuy nhiên, ông Hoan cũng cho rằng, "Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không có những áp lực. Rõ ràng là chúng ta có một số áp lực: sau dịch Covid-19, thị trường khách du lịch cũng đã có thay đổi và điểm đến cũng như nhu cầu của du khách cũng thay đổi. Nếu như trước đây chúng ta thể đón 3 triệu lượt khách nhưng trải đều ra các địa phương khác nhau thì bây giờ có thể ít hơn và tập trung vào một số đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số trung tâm kinh tế lớn: Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh. Thứ hai là lượng hướng dẫn viên, những người làm trong ngành du lịch, dịch vụ của chúng ta đang phân bố không đều, thậm chí còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Nếu như không cân đối được các thị trường khách cũng như không có những dự đoán tốt để điều chỉnh thì khó đảm bảo sự hài hòa giữa nhu cầu của du khách với khả năng cung cấp dịch vụ tại các địa phương", ông Nguyễn Công Hoan phân tích.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu như hiện nay, ngành Du lịch cần phải có chiến lược về sản phẩm để có thể bắt kịp được xu hướng thay đổi cũng như nhu cầu của du khách. Vì từ trước đến nay chúng ta chỉ nói về số lượng khách mà không nói thời gian lưu trú của du khách, không nói tới doanh thu từ du khách. Ngành du lịch cần xác định là doanh thu đem lại và du khách có bao nhiêu thời gian lưu trú, chi tiêu của du khách ra sao và khách có quay trở lại hay không? Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đang bị cạnh tranh rất quyết liệt với các quốc gia, những vùng lãnh thổ có điều kiện tương tự như Việt Nam thì công tác xây dựng sản phẩm lại càng quan trọng hơn. Xây dựng sản phẩm không chỉ là câu chuyện một sớm một chiều mà cần cả một chiến lược, trong đó có chiến lược quốc gia, chiến lược tại địa phương điểm đến và xác định được chiến lược sản phẩm đối với từng thị trường khách, vì mỗi thị trường khách sẽ có những dòng sản phẩm khác nhau. Có như vậy thì mới tạo ra được sản phẩm, dịch vụ đúng và trúng nhu cầu của khách.
Thời gian từ nay đến cuối năm được xem là mùa cao điểm du lịch quốc tế. Từ lợi thế này, cộng với việc tận dụng cơ hội từ chính sách miễn thị thực, cấp thị thực điện tử mới có hiệu lực từ 15/8 vừa qua, kỳ vọng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới và việc “cán đích” mục tiêu đón 12-13 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay cũng không phải là điều quá xa vời. Tất nhiên để làm được điều này, bản thân mỗi doanh nghiệp du lịch phải tự “làm mới” mình bằng nhiều cách khác nhau để thu hút khách, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu.
Mời nghe âm thanh tại đây: