“Tật xấu người Việt” là cuốn sách thứ 27 của nhà văn Di Li, nằm trong bộ đôi sách khảo cứu về tính cách người Việt hiện đại “Tật xấu người Việt” và “Tính tốt người Việt” (chưa phát hành). Với “Tật xấu người Việt”, nhà văn Di Li đưa ra quan điểm phân tích về những thói tật của người Việt và lý giải dựa trên những nghiên cứu trong hàng chục năm với trải nghiệm phong phú của mình.

"Đây là cuốn sách mang tính tự trào, phê phán nhưng rất nhẹ nhàng, nghĩa là có bản thân tôi ở trong đó chứ tôi không tách mình ra khỏi dân tộc để phê phán như cách nhìn của những người nước ngoài. Là người Việt Nam nên khi đi ra nước ngoài tôi mới có cơ hội so sánh và thấy rằng có những điều ở Việt Nam có mà nhiều nước trên thế giới lại không có. Tôi muốn đưa ra quan điểm, phân tích về những thói tật để người đọc tham khảo và soi lại mình", nhà văn Di Li chia sẻ.

Cuốn sách “Tật xấu người Việt” gồm 48 câu chuyện, có thể kể tới như: những người cả nể, xin đừng vô duyên, bình luận và phán xét cũng cần có "phanh", tính tự ái, bệnh sĩ, bệnh đố kỵ, bệnh thành tích, sự phiến diện, thích đổ lỗi, lười cảm ơn, lười đọc sách, hay khoe khoang, không bảo vệ tài sản công cộng, ích kỷ, nghĩ ngắn chỉ thấy lợi ích trước mắt, thói quen phạm luật, không bao giờ biết đủ, lãng phí… Đây là những nghiên cứu nghiêm túc của nhà văn Di Li trong thời gian dài để viết nên tác phẩm này. Vì thế, nữ nhà văn mong muốn độc giả tiếp nhận những câu chuyện với thái độ thiện chí.

Chia sẻ tại lễ ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết: "Đọc cuốn sách này tôi thấy mình ở trong đó. Nhà văn Di Li rất dũng cảm khi viết về những tật xấu của người Việt nhưng trên hết đó là tình yêu của nhà văn dành cho người Việt Nam. Trong con mắt của Di Li, những tật xấu đó ở trong mỗi ngôi nhà, đằng sau những cánh cửa đóng kín tưởng như không ai biết đến, nhưng Di Li vẫn soi mắt vào và nhận thấy tật xấu của người Việt trong chính ngôi nhà của họ, hay cả những tật xấu ở ngoài xã hội, ở công sở, những nơi công cộng, thậm chí cả khi ra nước ngoài, người Việt Nam cũng mang những tật xấu này theo. Những tật xấu này diễn ra trong mỗi gia đình, từ cách ăn, cách ở, cách nói... Đó như là tấm gương để mình soi vào, khắc phục những tật xấu để hướng tới những điều tốt đẹp hơn và tôi cho rằng đây là điều rất cần thiết".

Dưới con mắt của một nhà ngoại giao, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama cho rằng, Di Li đã viết về một thể loại mà rất ít người dám đề cập đến vì người Việt Nam thường rất "bảo thủ", ít khi muốn nói về những vấn đề của riêng mình. "Nhớ lại khoảng thời gian khi mới sang Việt Nam học tiếng Việt tôi đã thấy những tật xấu của người Việt Nam và bị "sốc". Khi tôi đi đâu đó về thì người ta hỏi: Anh đi đâu về đấy? hoặc Anh đã ăn cơm chưa? Anh đã có vợ chưa? có con chưa? lương hàng tháng được bao nhiêu tiền?... Đây là những câu hỏi mà người Việt Nam rất hay hỏi những người nước ngoài như tôi. Tất nhiên, với người Việt Nam họ không coi đó là tật xấu mà chỉ là những câu thăm hỏi thân tình, nhưng nói thật với người nước ngoài như tôi thì không nên hỏi. Nhưng bây giờ, sau thời gian dài ở Việt Nam thì tôi cũng đã quen với những "thói xấu" này và tôi xin khẳng định tất cả chúng ta ai cũng có tật xấu, quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận những thói xấu đó như thế nào mà thôi".

Nói về cuốn sách "Tật xấu người Việt", Đại sứ Ma rốc tại Việt Nam Jamale Chouaibi cho biết, con người thực ra không ai thích việc mình bị chỉ trích cũng như lộ ra những tật xấu của bản thân. Khi tôi đọc lời giới thiệu thì tôi hiểu ra rằng thật không dễ để viết ra được cuốn sách. Lần đầu tiên đến Việt Nam và tôi muốn tìm hiểu về đất nước các bạn thì cuốn sách mà tôi tìm được đều viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tác giả thì viết hoàn toàn dựa trên những điều họ trải qua chứ không phải là từ góc nhìn của một người thuần Việt như Di Li nên tất cả những mặt xấu được thể hiện trong cuốn sách này như: sự ích kỷ, tham vọng, đổ lỗi... thì đều có thể thấy ở mỗi người".

Nhà báo Yên Ba khi viết lời giới thiệu cho cuốn sách đã cho rằng: “Có đủ hết trong cuốn sách này những tính cách (và tính nết) mà người ta kiêng kị không nói đến một cách công khai, lại càng tránh tập trung chúng vào một chỗ. Lắc rắc vài hạt tiêu làm cho bát cháo ngon hơn, nhưng cả một bát cháo toàn hạt tiêu thì cay lắm, làm sao mà nuốt nổi! Nhưng, câu chuyện ở đây không phải là một bát cháo quá nhiều hạt tiêu; đây là một bát thuốc và nó rất đắng! Viết về tật xấu của người khác là một công việc đầy rủi ro. Viết về tật xấu của một dân tộc, hơn thế, là một công việc nguy hiểm. Nhưng tác phẩm này là một trong những bước đi văn chương đầu tiên cho thấy người Việt, ở đây là người viết, người xuất bản, người đọc, đang trưởng thành".