Nằm ở Km6+500 Đại Lộ Thăng Long, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam sở hữu không gian rộng lớn với diện tích hàng chục ngàn mét vuông, chia thành nhiều khu vực trưng bày theo từng giai đoạn lịch sử.

Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một khu nhà nổi bật với tòa tháp chiến thắng cao 45m. Khối nhà chính có diện tích xây dựng hơn 23.000 mét vuông với tổng diện tích sàn lên tới 64.000 mét vuông. Đây là bảo tàng lớn và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

"Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là 1 trong 6 bảo tàng quốc gia, là bảo tàng đầu ngành của hệ thống bảo tàng quân đội. Công trình bảo tàng được thiết kế theo ý tưởng cái cung, nỏ - vũ khí cổ xưa của người Việt. Ở đây công trình cũng có những điểm nhấn kiến trúc đặc biệt đó là tháp chiến thắng cao 45m tượng trưng cho dấu mốc năm 1945 nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Những hàng cột xiên trước tòa nhà bảo tảng như những lũy tre, tượng trưng cho sự mềm dẻo, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam", Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam giới thiệu.

Bước vào bên trong bảo tàng, du khách sẽ bị thu hút bởi 4 bảo vật quốc gia gồm: 2 máy bay Mig 21 số hiệu 4324 và Mig 21 số hiệu 5121; xe tăng T54B số hiệu 843 và bản đồ Quyết tâm chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiếc máy bay Mig 21 số hiệu 4324, ở phần đầu có 14 ngôi sao, đó chính là 14 lần bắn rơi máy bay Mỹ và từ chiếc máy bay này rất nhiều phi công đã được tuyên dương anh hùng.

Ông Nguyễn Khánh Dư, chiến sĩ Trung đoàn Rada 283, Sư đoàn Phòng không 361 đã từng chiến đấu suốt 12 ngày đêm trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, cùng ở sư đoàn 361 nơi biên chế chiếc máy bay này vô cùng xúc động khi đến thăm bảo tàng. "Tôi trực tiếp tham gia chiến đấu dẫn đường cho không quân và thông báo kịp thời cho các đơn vị hỏa lực tên lửa, pháo và các đơn vị hỏa lực khác trong chiến dịch 12 ngày đêm. Hôm nay nhìn các hiện vật tại bảo tàng tôi thấy tự hào vô cùng".

Không chỉ ông Nguyễn Khánh Dư mà rất nhiều cựu chiến binh từng vào sinh ra tử ở khắp các mặt trận như ông Bùi Ngọc Lâm- chiến sĩ Tiểu đoàn 2 của Bộ Tư lệnh Thông tin người từng đi phối thuộc cho nhiều đơn vị của mặt trận Tây Nguyên, mặt trận đường 9 Nam Lào cũng rưng rưng cảm xúc khi tận mắt nhìn thấy những chiếc xe tăng, máy bay được trưng bày tại bảo tàng.

Các hiện vật trưng bày tại bảo tàng được chia làm 6 chủ đề: Buổi đầu dựng nước và giữ nước; Bảo vệ độc lập dân tộc giai đoạn từ năm 939-1858; Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc, từ năm 1858-1945; Kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn từ 1945-1954; Kháng chiến chống đế quốc Mỹ, từ 1954-1975; Xây dựng và bảo vệ đất nước, từ 1975-2024. Với thiết kế hiện đại, bảo tàng đã áp dụng nhiều phương pháp trưng bày mới kết hợp với các công nghệ hiện đại như sa bàn 3D Mapping, thiết bị màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động và mã QR tra cứu thông tin hiện vật hình ảnh cùng với hơn 60 video clip mang đến cho khách tham quan trải nghiệm hoàn toàn mới.

Mỗi góc trưng bày là một phần của lịch sử dân tộc giúp người xem được sống lại những trang sử hào hùng, những chiến công vĩ đại của quân và dân ta. Qua đó, góp phần bồi đắp hơn nữa tình yêu và niềm tự hào dân tộc.

Xin mời nghe nội dung bài viết tại đây: