Diễn đàn quy tụ khoảng 600 doanh nghiệp du lịch trong cả nước là sự khẳng định quyết tâm cao của ngành Du lịch trong việc khôi phục du lịch, trước mắt là du lịch nội địa.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trong bối cảnh bình thường mới, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục hoạt động, và khi du lịch Việt Nam chưa thể mở cửa đón khách quốc tế thì phát triển du lịch nội địa được xem là cứu cánh để ngành duy trì hoạt động. Tuy nhiên, do chưa được xem là nhánh chủ lực nên du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm. Nhu cầu, sở thích, xu thế của khách du lịch nội địa, rồi sản phẩm cũng như các dịch vụ phục vụ nhu cầu người Việt... đều chưa được định hình một cách rõ ràng. Đó là những hạn chế khi phát triển du lịch nội địa.

Để khắc phục khó khăn, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp phát triển kinh doanh du lịch nội địa có hiệu quả hơn, đưa du lịch nội địa phát triển ngang hàng với du lịch inbound và outbound, Diễn đàn tập trung thảo luận 2 nội dung chính: Vai trò ý nghĩa tầm quan trọng của du lịch nội địa trong bối cảnh “bình thường mới” trước mắt và lâu dài, các chính sách vĩ mô về phát triển du lịch nội địa; Các giải pháp về xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, triển khai xúc tiến du lịch nội địa, đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, sở thích của khách du lịch Việt Nam và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, giai đoạn 2011 - 2019, khách nội địa tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào tổng thu của ngành du lịch. Nếu như năm 2011 khách nội địa mới chỉ đạt 30 triệu lượt thì đến năm 2019 con số này đã tăng lên 85 triệu lượt (gấp hơn 2,8 lần). Mốc tăng trưởng mạnh nhất của khách nội địa là năm 2015, với 57 triệu lượt khách, tăng 50% so với năm 2014 và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong các năm tiếp theo.

Đặc biệt, “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” thêm một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò của du lịch nội địa với quan điểm: “Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa; đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam”.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng thời gian qua, ngành Du lịch luôn lấy con số thị trường quốc tế làm thước đo thành công, hiệu quả, và trên thực tế, chi tiêu của 1 khách quốc tế lớn hơn nhiều so với 1 khách Việt Nam nên mảng du lịch nội địa chưa được quan tâm đúng mức. Do đó khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng. Vì thế cần nhìn nhận lại và tìm cách tiếp cận mới với thị trường du lịch nội địa.

“Khi xác định du lịch nội địa là động lực, cứu cánh, muốn làm nóng lại thị trường, bù đắp lại doanh thu, lợi nhuận thì điều quan trọng hơn cả là phải chú ý nhiều đến thị trường tiềm năng hơn 100 triệu dân trong nước. Nếu làm được điều này sẽ mở ra thị trường không thua kém thị trường nước ngoài".

Với khát vọng xây dựng ngành Du lịch vững mạnh, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu rõ 4 giải pháp cần thực hiện để phát triển du lịch nội địa là: Các doanh nghiệp du lịch đặc biệt là lữ hành cần sớm cơ cấu lại, có giải pháp để quản lý về nhân lực, nguồn lực; Thứ hai là nghiên cứu lại thị trường nội địa, cơ cấu lại thị trường khách để điều tiết thị trường, xây dựng sản phẩm đúng với nhu cầu và chiến lược; Liên kết du lịch phải dựa trên những sản phẩm du lịch có tính đặc biệt, đặc trưng, có tính thu hút cao và tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu, sản phẩm; Kết nối và lan tỏa những giá trị của sản phẩm để kích thích nhu cầu du lịch của du khách.

Đặc biệt, du lịch không thể tách rời văn hoá nên một trong các chiến lược phát triển là tập trung đầu tư xây dựng, từng bước hình thành văn hoá ở các điểm đến du lịch. Và chỉ khi nào hình thành được điều này thì du khách mới yêu quý vùng đất và các sản phẩm du lịch.

Tại diễn đàn đã diễn ra các lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Lữ hành Việt Nam - Sở Du lịch Ninh Bình; Hiệp hội Du lịch các tỉnh Ninh Bình - Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng - Cần Thơ; Hiệp hội Du lịch Ninh Bình – CLB Du lịch MICE Việt Nam...

Những liên minh kích cầu đã được hình thành, trước mắt là những sản phẩm kết nối Ninh Bình - địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia với những trung tâm du lịch lớn trong cả nước để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu từng địa phương để có thể thu hút du khách.