Đây là mùa triển lãm thứ ba trong chuỗi dự án nghệ thuật “Dấu Xưa Văn Hiến”, tiếp nối thành công của hai mùa trước: “Dấu Xưa Văn Hiến” (2022) và “Soi Bóng Thăng Long” (2023).
Triển lãm “Thiên Quang” khai thác câu chuyện về ánh sáng thiêng liêng của Trời và Đất soi chiếu Thăng Long – nơi hội tụ văn hóa, lịch sử và tinh hoa nghề thủ công truyền thống. Các tác phẩm tập trung tái hiện sự phát triển của các làng nghề nổi tiếng như nghề ươm tơ dệt lụa, dệt vải nhuộm vải, thêu thùa may vá; nghề đúc đồng, nghề rèn, nghề chế tác vàng bạc thiếc; nghề mộc làm giường tủ bàn ghế, giương hòm, gương lược; nghề làm sơn mài, nghề làm vàng mã, khắc con dấu, nghề đóng thuyền, bè, làm buồm, dây chão; nghề trồng hoa… của Thăng Long xưa.
Triển lãm năm nay quy tụ các tác phẩm được thể hiện bằng chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa, gốm, giấy dó… kết hợp các kỹ thuật hiện đại như sắt, inox, mica, kính, các loại đèn hiện đại , các loại sơn dầu , acrylyc, tổng hợp... Đặc biệt, ánh sáng được khai thác làm yếu tố trung tâm, tạo nên không gian triển lãm tự do, phóng khoáng, tương tác với mọi chiều không gian.
Lần thứ ba tham gia triển lãm Dấu xưa văn hiến, họa sĩ Nguyễn Tuấn Dũng với tác phẩm "Thiên Quang" đã tái hiện lại hình ảnh người lao động sản xuất, trồng lúa, trồng hoa, làm nghề nông (những nghề đặc trưng ở ngoại thành Hà Nội) trên những mảnh composite trong hình ipad, smartphone, đèn led... Phía trên, vòng tròn ánh sáng Vầng Dương biểu tượng cho ánh sáng của Trời, tạo sự kết nối giữa giá trị cổ xưa và thế giới hiện đại.
"Mất hơn 2 tháng mới hoàn thành tác phẩm này vì phải trải qua nhiều công đoạn: tìm những hình ảnh trong vốn cổ về nét sinh hoạt, lao động, hoa văn... rồi khắc trên chất liệu là vỏ lon bia, lon nước ngọt, hoặc khảm trai... những vật liệu có thể tái chế được, sau đó cắt và làm khuôn rồi đổ composit, mài nhẵn và lắp đèn... Thông điệp mà tôi muốn gửi gắm qua tác phẩm của mình ngoài việc bảo vệ môi trường thông qua việc tái chế vật liệu, còn là sự song hành của quá khứ và hiện tại, phải biết trân trọng quá khứ dù cuộc sống có hiện đại đến đâu chăng nữa".
Tác giả Lê Thị Thanh với tác phẩm Book Art bằng chất liệu In độc bản, in lưới, mica và inox đã khắc họa vẻ đẹp tinh tế của ẩm thực Hà Nội. Tác phẩm không những mang ngôn ngữ tạo hình đồ họa mà còn là sự kết hợp giữa đồ họa, điêu khắc và hội họa, giữa yếu tố tả thực và trang trí, đường nét và không gian, hữu hình và trừu tượng.
"Đây là những món ngon của Hà Nội mà tôi đã được thưởng thức từ nhỏ đến giờ và là ấn tượng khó phai trong lòng. Tôi đã sử dụng các kĩ thuật của đồ họa tranh in là in độc bản, đầu tiên là vẽ trên mica và in ra giấy, sau đó sẽ sử dụng in trên mặt nước để in phần nền của hình. Tất cả 9 món ăn trong Book Art được vẽ tay hoàn toàn, mix giữa đồ họa và hội họa nên người xem có thể cảm nhận chân thực nhất đó là món ngon gì của Hà Nội. Chắc chắn sẽ có người thắc mắc tại sao trong triển lãm này tôi lại làm về món ăn? Về tổng thể thì ẩm thực nằm trong chuỗi các nghề của Hà Nội: nghề đúc, nghề rèn, tơ lụa... các làng nghề chế biến món ăn của Hà Nội rất nổi tiếng như: bánh cuốn Thanh Trì, xôi Phú Thượng, cốm Vòng... Ẩm thực Hà Nội cũng đạt được các tiêu chí về danh tiếng, nguồn gốc, lựa chọn nguyên liệu, phương thức chế biến, cách thưởng thức và không gian thưởng thức. Do đó, những nét đặc trưng nổi bật của văn hóa ẩm thực Hà Nội không chỉ là điểm nhấn quan trọng trong hành trình phát triển, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của Thủ đô", tác giả Lê Thị Thanh chia sẻ.
Đặc biệt, triển lãm năm nay giới thiệu tác phẩm chung mang tên “Giếng Thiên Quang”. Đây là sự kết hợp sáng tạo của 9 họa sĩ, lấy cảm hứng từ di sản “Giếng Thiên Quang” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tác phẩm được thiết kế dưới dạng đèn tròn với các mảnh ghép nghệ thuật thể hiện những nghề truyền thống nổi tiếng của Thăng Long, truyền tải ý nghĩa về ánh sáng tri thức, văn hóa và lịch sử lâu đời.
Triển lãm diễn ra tại nhà Tiền đường, khu Thái Học từ ngày 22/12/2024 đến ngày 25/03/2025.
Một số tác phẩm tại triển lãm: