Trong cả cuộc đời, sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Tổng Bí thư đã có nhiều chỉ đạo giúp các ngành, các cấp, cán bộ và người dân xác định rõ quan điểm, mục tiêu, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực nội sinh cho phát triển đất nước.

TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cùng với quan điểm xuyên suốt của Đảng ta qua các thời kỳ - luôn “đặt vai trò của văn hóa lên hàng đầu”, thì chính những chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư là nguồn cảm hứng để toàn xã hội quyết tâm chấn hưng, phát triển văn hóa. “Đồng chí Tổng Bí thư đã nói rất rõ, đánh giá rất cao vai trò, vị trí của văn hóa, văn hóa phát triển thì đất nước phát triển. Tôi cho rằng cách đặt vấn đề như vậy của đồng chí Tổng Bí thư cũng như của Đảng ta là rất logic, rất khoa học và rất thực tiễn”.

Tôi cho rằng cách đặt vấn đề của đồng chí Tổng Bí thư cũng như của Đảng ta về văn hóa là rất logic, rất khoa học và rất thực tiễn.

“Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa là hồn cốt dân tộc”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn”… Những thông điệp quan trọng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra không chỉ là lời nói suông mà còn được thể hiện bằng những hành động hết sức cụ thể. Với vai trò là người đứng đầu Đảng và với tâm huyết, quyết tâm của mình, Tổng Bí thư đã “thổi luồng gió văn hóa” vào công cuộc đổi mới để phát huy những thành tựu của cách mạng Việt Nam.

“Khi nhìn lại vừa rồi sau Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đóng góp rất lớn vào xây dựng đường lối Đại hội, mà đường lối chung chính là xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, khơi dậy khát vọng toàn dân tộc, trong đó năng lực nội sinh là văn hóa. Tổng Bí thư đã kế thừa tư tưởng của Bác Hồ, đã chỉ rất rõ các nguyên nhân ưu điểm, nguyên nhân khuyết điểm và cả những việc cấp thiết phải làm trong thời gian trước mắt, những cái hết sức cụ thể…” - PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đóng góp rất lớn vào khơi dậy khát vọng toàn dân tộc, trong đó năng lực nội sinh là văn hóa.

Đau đáu với văn hóa nước nhà, Tổng Bí thư cũng luôn quan tâm và dành nhiều tình cảm ấm áp, tin tưởng, kỳ vọng vào đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Trong những cuộc gặp gỡ, Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của giới văn nghệ sĩ trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, cũng như khuyến khích các nghệ sĩ sáng tạo, phát triển những tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, gắn liền với đời sống hiện đại. Nói như PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, chính sự quan tâm đó đã truyền lửa cho các thế hệ văn nghệ sĩ.

“Trải qua nhiều thời kỳ, trên nhiều cương vị công tác, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam, đặc biệt quan tâm đến văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ - trí thức, giúp chúng tôi nhận thức sâu hơn về vai trò của giới văn nghệ sĩ về những vấn đề lý luận và thực tiễn đã và đang đặt ra đối với sự nghiệp văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm đến văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ - trí thức.

Với rất nhiều những bài viết, bài phát biểu trên khắp các diễn đàn lớn nhỏ khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy một nhân cách lớn - một nhà lãnh đạo vì nước, vì dân, vì sự phát triển văn hóa dân tộc. Tổng Bí thư cũng có không ít công trình văn hóa, những cuốn sách tâm huyết về văn hóa Việt Nam, mà mới đây nhất phải kể đến cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Cuốn sách đã nâng tầm lý luận, được xem như cuốn cẩm nang quý giúp các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên nắm vững và triển khai có hiệu quả công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.

“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” - Tinh thần đó của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và cũng là tâm huyết của người đứng đầu - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đã và đang dần đi vào thực tế cuộc sống.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo, nhà văn hóa, một nhân cách lớn của dân tộc đã ra đi, song nỗi niềm đau đáu của ông cho sự nghiệp văn hóa, phát triển đất nước sẽ luôn là nguồn cảm hứng cho những người ở lại, cho các thế hệ hôm nay và mai sau…

Với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.