Đây là sự kiện do Hội Hữu nghị Việt Nam - Indonesia phối hợp cùng Đại sứ Quán Indonesia tại Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 10 năm ngày 2 nước Việt Nam -Indonesia ký Hiệp định Đối tác Chiến lược (27/06/2013 - 27/06/2023).

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Minh Hùng - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Indonesia, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1955 và cách đây 10 năm, Việt Nam trở thành đối tác chiến lược đầu tiên của Indonesia trong Đông Nam Á. Điều đó cho thấy sự coi trọng của mỗi nước đối với mối quan hệ đặc biệt này.

"Quan hệ Việt Nam - Indonesia đã phát triển từ nền tảng quan hệ hữu nghị, tin cậy sang quan hệ đối tác chiến lược, bao hàm tất cả các lĩnh vực hợp tác và là mối quan hệ hướng đến tương lai, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, phục vụ thiết thực lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Đây là hoạt động giao lưu văn hóa nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân 2 nước, đồng thời cũng sẽ có tác dụng xúc tiến du lịch - lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển giữa hai bên".

Theo Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi, việc tổ chức buổi trải nghiệm và giới thiệu về nghệ thuật Batik truyền thống của Indonesia là một trong những sự kiện nhằm tăng cường mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa Indonesia và Việt Nam.

"Kỹ thuật vẽ hoa văn thủ công trên vải Batik của Indonesia đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2009. Vải Batik được coi là một sản phẩm thương hiệu quốc gia Indonesia trên thế giới và nhằm tôn vinh nghệ thuật vải Batik, ngày 2/10 hằng năm được Indonesia chọn là Ngày Batik quốc gia. Thúc đẩy văn hóa nghệ thuật Indonesia là một trong những nhiệm vụ của Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội. Do đó, với việc tổ chức sự kiện này ngày hôm nay, chúng tôi hy vọng rằng nhiều người Việt Nam sẽ tìm hiểu về Indonesia cũng như văn hóa nghệ thuật phong phú của đất nước chúng tôi; qua đó góp phần thắt chặt tình hữu nghị, quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia cũng như góp phần gìn giữ và quảng bá mạnh mẽ hơn di sản văn hóa này tới toàn thế giới", ngài Đại sứ chia sẻ.

Nghệ nhân Ira Ratna Handayani cho biết, tại Indonesia, vải Batik truyền thống có mặt ở khắp mọi nơi. Loại vải này chủ yếu được làm thủ công, với các hoạ tiết từ sáp ong và màu nhuộm. Người Indonesia sử dụng sáp nóng trong việc tạo ra các mẫu hoa văn để ngăn màu thấm vào khi vải được nhuộm. Sáp nóng được vẽ lên vải bằng một công cụ giống như bút có tên là canting. Ở Indonesia, nghề làm Batik thường được lưu truyền trong các gia đình qua nhiều thế hệ và chủ yếu là phụ nữ làm Batik.

Tại sự kiện, Nghệ nhân Ira Ratna Handayani đã có buổi giao lưu, giới thiệu về lịch sử, kỹ thuật vẽ Batik và hướng dẫn đại biểu, quan khách trải nghiệm vẽ Batik.

Ngày 2/10/2009, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa kỹ thuật nhuộm truyền thống Batik của Indonesia vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời khuyến khích người dân và Chính phủ Indonesia bảo vệ, phát triển và quảng bá nghề thủ công Batik. Vải Batik được coi là một sản phẩm thương hiệu quốc gia Indonesia trên thế giới. Ngoài dùng để may các trang phục truyền thống cũng như hiện đại, vải Batik ngày nay còn được sử dụng để trang trí nội thất, làm khăn trải bàn, làm rèm cửa, vẽ tranh…