Triển lãm “Dấu xưa văn hiến” là kết tinh của niềm đam mê với di sản văn hoá dân tộc nói chung và với Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng của các họa sĩ trẻ - những người luôn đau đáu với việc gìn giữ và phát huy giá trị cho các di sản, nối tiếp mạch nguồn của văn hiến dân tộc.

Triển lãm giới thiệu 19 tác phẩm của 8 nghệ sĩ được sáng tác theo nhiều phong cách, chất liệu đa dạng với bút pháp mới về những giá trị văn hiến. Họa sĩ Vũ Xuân Đông với bộ 2 tác phẩm mang tên "Cổ thư" được sáng tác trên chất liệu gò đồng và sơn mài có thể tương tác với người xem. Tác phẩm được trưng bày như một cuốn sách mở ra, giúp người xem hồi tưởng về những giá trị truyền thống của người Việt như: kiến trúc, điêu khắc, lễ hội, đời sống sông nước, hoa văn cổ, mây, nước, cỏ cây…

"Tôi muốn xây dựng tác phẩm của mình như một cuốn sách cổ kể những câu chuyện xưa. Tác phẩm của tôi dược chia thành những hộp cong vì đó là những mảnh ký ức, và khi mọi người xoay những mảnh hộp này nó sẽ giống như một dòng sông văn hiến vì trên những hộp đó là cổng làng, con thuyền cổ, cảnh học hành, thi cử ngày xưa, kiến trúc nhà Tiền đường của Văn Miếu... Tất cả tạo nên một tổng thể phù hợp với không gian cổ kính của Văn Miếu", họa sĩ Vũ Xuân Đông chia sẻ.

Tại triển lãm, tác giả Nguyễn Đức Hùng thể hiện 03 tác phẩm bằng chất liệu, thủ pháp bút sắt và khói trên giấy dó truyền thống, tạo hiệu ứng thẩm mỹ phong phú, đa dạng và mở gợi nhiều liên tưởng táo bạo, độc đáo đến người xem về thế giới.

Tác giả Phạm Hùng Anh đã thể hiện tác phẩm của mình bằng loại hình khắc gỗ mà anh theo đuổi từ thời là sinh viên đến nay. Với tác phẩm khắc gỗ "Bóng nước" in trên giấy dó cho ta thấy hình ảnh khác của Khuê Văn Các qua cách nhìn cá nhân tác giả, còn tác phẩm Lều và Lọng in trên lụa lại gợi cho người xem một cách chân thực nhất về quá trình học hành, thi cử ngày xưa.

Là nữ tác giả duy nhất tham dự triển lãm, TS Lê Thị Thanh, giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội giới thiệu tới công chúng một Văn Miếu - Quốc Tử Giám vô cùng đặc biệt thông qua những hoa văn, kiến trúc tiêu biểu. Về tác phẩm của mình, TS Lê Thị Thanh cho biết: "Tác phẩm Nghìn xưa lưu dấu lấy cảm hứng từ các họa tiết, hoa văn trên bia Tiến sĩ tại vườn bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tôi đã in dập các họa tiết cổ của cha ông để lại trên hệ thống bia Tiến sĩ, đồng thời những hình tượng, phù điêu mà không thể dập được thì khắc cao su thành những tác phẩm rời để tạo nên bộ tác phẩm hoàn chỉnh này. Bên cạnh đó, tôi cũng sử dụng thêm kĩ thuật in độc bản và in lưới để nhìn từ xa có thể thấy hình tượng rùa đội bia ẩn hiện trong đó để tôn vinh sự học, tôn vinh các Tiến sĩ thời xưa".

Về phần mình, nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang tham gia triển lãm với hai tác phẩm Độc hành bằng chất liệu sắt hàn, thể hiện hình tượng con người mạnh mẽ nhưng không kém phần mềm mại, sống động. Người xem có thể thấy trong hai tác phẩm này bóng dáng của chữ Đại và chữ Nhân, những giá trị cao đẹp mà người xưa thường hướng tới. Cách thể hiện của tác giả như một minh chứng cho thấy con người luôn hướng đến sự hoàn thiện cả về nhân cách, cuộc sống và xã hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, mỗi tác phẩm là một cách nhìn độc đáo về giá trị của di sản, tạo nên những xúc cảm đặc biệt đối với khách tham quan. "Qua triển lãm, người xem hiểu thêm, cảm nhận sâu sắc những giá trị văn hoá của các thế hệ trước lưu lại cho hiện tại và tương lai, từ đó thêm tự hào về truyền thống văn hoá của dân tộc, tiếp thêm động lực trong cuộc sống hôm nay".

Theo TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, triển lãm “Dấu xưa văn hiến” được tổ chức với mục đích tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận những tác phẩm nghệ thuật đương đại được sáng tác trên nền tảng văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. “Dấu xưa văn hiến cùng với nhiều triển lãm, trưng bày khác được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ đem lại cho khu di tích một sức sống mới, một diện mạo mới. Đó là cách tốt nhất để phát huy giá trị di tích, nuôi dưỡng tình yêu và sự trân trọng đối với di sản quý giá mà các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta, đồng thời cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của các thế hệ đương thời đối với những thế hệ mai sau trong việc tiếp tục bồi đắp các giá trị đương đại cho những lớp trầm tích văn hiến của dân tộc", TS Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

Triển lãm mở cửa phục vụ hàng ngày, từ 8h00 đến 17h00 tại nhà Tiền đường khu Thái học, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đến hết ngày 05/02/2023.