Triển lãm "Đối thoại Thư pháp và Graffiti" giới thiệu 39 tác phẩm của các tác giả trẻ năng động và nổi bật trong lĩnh vực thư pháp Quốc ngữ và Graffiti đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Triển lãm là kết quả của một dự án sáng tác và trưng bày về Thư pháp kết hợp với Graffiti với mục đích góp phần từng bước hiện thực hóa ý tưởng đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành một không gian sáng tạo, một điểm đến quen thuộc của công chúng yêu di sản và văn hóa nghệ thuật.

Chia sẻ tại Lễ Khai mạc, Thạc sĩ Trương Quốc Toàn - Trợ lý Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Pari tại Việt Nam - người thiết kế buổi triển lãm bày tỏ: Trong suốt quá trình thực hiện dự án chúng tôi băn khoăn đặt ra câu hỏi "Tại sao lại là Thư pháp và Graffiti?", "Làm sao để tìm được điểm chung để họ đối thoại với nhau?". Tuy nhiên, khi chúng ta có cách nhìn rộng mở, không định kiến trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt, hiểu biết lẫn nhau sẽ biết đồng cảm cùng nhau bởi Thư pháp và Graffiti có nhiều nét tương đồng. Do đó, triển lãm là dịp để hai loại hình sáng tác này được đối thoại, đồng sáng tạo và đến gần hơn với công chúng, mang lại cho người xem những trải nghiệm và góc nhìn mới mẻ, tích cực, gần gũi đối với cả hai bộ môn.

Tham gia sáng tác cho Triển lãm là nhiều gương mặt trẻ, chủ yếu thuộc thế hệ 9X quen thuộc đang hoạt động trong lĩnh vực thư pháp Quốc ngữ và Graffiti, đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với Thư pháp Quốc ngữ: Nhà hoạt động thư pháp Ngẫu Thư Nguyễn Thanh Tùng, Võ Tuấn Xuân Thành, Nguyễn Hữu Pháp. Đối với Graffiti: Nghệ sĩ Đỗ Thế Thành, Nguyễn Tấn Lực, Trang Nhơn Khoa, Lưu Đoàn Duy Linh. Các tác giả của cả hai loại hình sáng tác đã mang đến triển lãm những tác phẩm với nội dung xoay quanh các chủ đề về đạo nghĩa thầy - trò; học tập, rèn luyện bản thân; sách và văn hóa đọc; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Việt Nam và các địa danh nổi tiếng của đất nước.

Hai bức tranh mang đậm dấu ấn riêng của Zkhoa là một trong những “nhân vật sáng tạo” là con rồng thời Lý. Tác phẩm thể hiện sự kế thừa truyền thống ở “tính cân bằng” trong văn hóa phương Đông ở các chi tiết như: rồng - phượng, nam - nữ, dấu âm - dấu dương, bút lông thư pháp – bình xịt sơn Graffiti... Bức tranh mang không khí vui tươi, lan tỏa nguồn năng lực tích cực của tác giả tới mọi người.

Nhân vật sáng tạo của Nguyễn Tấn Lực là hình ảnh một “Cô bé” trẻ trung, hiện đại thể hiện cho thế hệ trẻ của Việt Nam luôn kế thừa văn hóa truyền thống của cha ông. Tác giả lấy cảm hứng từ mái các hạng mục kiến trúc của Văn Miếu, lá hoa sen trong văn hóa Việt Nam để thể hiện tính truyền thống. Hình ảnh cây tre, uốn lượn tạo thành cây cọ Thư pháp viết nên chữ cái đặc trưng của nghệ thuật Graffiti. Bình sơn xịt được dùng để vẽ Graffiti trên tinh thần của Thư pháp kết hợp với nhau.

Gắn bó với Thư pháp nhiều năm nên khi biết thông tin về triển lãm, Nguyễn Hữu Pháp (Lão trọc) cảm thấy sự kết hợp giữa Thư pháp và Graffiti là điều "rất gượng về thể loại" vì "một bên rất mềm mại, trầm mặc trong khi bên kia thì cứng cáp, sôi nổi, hướng ngoại nhiều hơn. Tuy nhiên, "khi vào cuộc thì mình thấy đây là cuộc chơi ấn tượng. Đúng như tên gọi là sự đối thoại giữa 2 bên thì mọi thứ rất ổn và nó có sự đồng điệu, nó tôn vinh lẫn nhau", Nguyễn Hữu Pháp chia sẻ.

Triển lãm là cuộc đối thoại với bốn giai đoạn: từ Gặp gỡ, Đối thoại đến Giao lưu với nhau và cuối cùng tìm được sự Đồng cảm. Triển lãm mở ra những khả năng tương tác, học hỏi một cách sáng tạo và không giới hạn giữa những người thực hành Thư pháp và Graffiti, một cuộc đối thoại thành công trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự đa dạng.

Một số hình ảnh tại triển lãm: (Ảnh: Thanh Huyền)

Triển lãm được tổ chức tại khu Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ ngày 26/8 đến ngày 30/9/2022.