Nhà Tây Sơn hay Triều Tây Sơn là một triều đại quân chủ trong lịch sử Việt Nam tồn tại từ năm 1778 đến năm 1802. Nhà Tây Sơn được lập nên bởi 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Người nắm quyền đầu tiên của nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, người anh cả, lên ngôi năm 1778. Và sau đó tới năm 1788, Nguyễn Nhạc nhường ngôi cho em là Nguyễn Huệ, chính là Quang Trung hoàng đế.

Tuy chỉ tồn tại trong vòng chưa đầy 3 thập kỷ nhưng triều đại Tây Sơn đã có công tích lớn là tiếp tục mở rộng lãnh thổ đất nước sau hàng trăm năm bị chia cắt bởi các cuộc tranh giành quyền lực giữa các thế lực lớn. Đồng thời triều đại Tây Sơn đã 2 lần đánh bại quân xâm lược ngoại quốc là quân Xiêm La và quân nhà Thanh bằng những chiến dịch quân sự thần tốc. Có được những chiến thắng đó là bởi những thủ lĩnh của nghĩa quân Tây Sơn có sách lược khôn khéo, thu hút được sự ủng hộ và hưởng ứng của nhiều tầng lớp nhân dân, trong đó đặc biệt là những chính sách xây dựng lực lượng và nghệ thuật quân sự.

Được hình thành từ lực lượng nghĩa quân của phong trào nông dân từ năm 1771, theo TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc thư viện Viện Sử học, quân đội nhà Tây Sơn dưới sự chỉ đạo của Quang Trung - Nguyễn Huệ đã tạo nên một bản hùng ca của thế kỷ áo vải cờ đào. Năm 1775, khi 22 tuổi, Quang Trung đã đánh thắng trận Phú Yên mở đầu một binh nghiệp bách chiến, bách thắng. 10 năm sau đó, Quang Trung lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Xiêm, lập nên chiến công Rạch Gầm - Xoài Mút. Và đến cuối năm 1788, trong cuộc hành quân từ Phú Xuân ra Thăng Long, chỉ trong vòng 35 ngày có khoảng 6 vạn tân binh được tuyển chọn, huấn luyện, phiên chế ngay trên đường hành quân. Ra Thăng Long, nghĩa quân Tây Sơn với khoảng trên 10 vạn đã đánh bại 29 vạn quân Thanh trong trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa.

Quân số binh lính Tây Sơn ban đầu khi tiến hành khởi nghĩa vào năm 1771 chỉ khoảng 3.000 người, đến năm 1773 chiêu mộ lên 26.000 người và đến thời điểm đánh quân Mãn Thanh thì số quân đã vượt mức hơn 10 vạn quân và được tổ chức thành trung quân, tiền quân, tả quân, hữu quân và hậu quân và chia theo đơn vị là đội (từ 60-100 người), cơ (từ 300-500 người), đạo (từ 1.500 đến 2.500 quân) và doanh là từ khoảng 15.000 quân.

Còn theo chức năng, quân đội Tây Sơn được tổ chức thành bộ binh, pháo binh, kỵ binh, tượng binh và thủy quân. Quân Tây Sơn được miêu tả rất oai hùng: “Quân Tây Sơn mặc áo màu đỏ tía, chỏm mũ đính lông chiên đỏ, vũ khí dùng tên lửa buộc trên đầu ngọn giáo gọi là hỏa hổ”. Còn theo đánh giá của người Châu Âu đến Đàng Trong thời kỳ đó thì quân đội Tây Sơn rất tinh nhuệ, trang bị nhiều vũ khí tân kỳ như súng hỏa mai, súng đại bác…

Kỵ binh và tượng binh cũng là 2 lực lượng mạnh của quân đội Tây Sơn, ước tính trong cuộc tấn công quân Mãn Thanh ở Thăng Long mùa xuân Kỷ Dậu 1789 hơn 300 voi chiến đã xung trận. Quân Tây Sơn là quân đội lấy tiến công làm chính, có lực lượng voi chiến trang bị pháo và pháo hạm, vừa có tính cơ động vừa mạnh về hỏa lực, hỏa lực sử dụng chiến đấu và yểm trợ bộ binh khi xung trận. Lực lượng pháo binh Tây Sơn gồm các loại đại bác hạng nặng, hạng nhẹ, các loại hỏa hổ (hỏa tiễn cầm tay).

Theo báo cáo của các quan sĩ Pháp từng theo phò Nguyễn Ánh cũng như sử sách nhà Nguyễn đều công nhận tính năng phi thường của các đại pháo và hỏa pháo Tây Sơn. Trong các trận đánh dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, lực lượng pháo binh Tây Sơn lúc nào cũng vượt trội và cơ động nhanh, đáp ứng tốt yêu cầu của chiến trường. Các trận đánh lớn của bộ binh đều có pháo binh yểm trợ và hiệp đồng chiến đấu.

Đặc biệt, theo TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm, khác với các vị hoàng đế trước đó chỉ chú ý xây dựng lực lượng lục quân, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ xây dựng quân đội lấy hải quân làm xương sống. “Kỹ thuật đóng tàu của quân Tây Sơn vừa kế thừa kinh nghiệm của dân gian, vừa có những sáng tạo vượt bậc. Thủy quân Tây Sơn được đánh giá ngang với các hạm đội phương Tây hùng mạnh lúc bây giờ” - TS Nguyễn Hữu Tâm nhấn mạnh.

Theo các tư liệu lịch sử, thủy quân Tây Sơn có hơn 600 thuyền chiến, hơn 5 vạn lính và có nhiều loại thuyền khác nhau. Thuyền lớn để chở quân, lương thực, hàng hóa. Thuyền còn được gắn pháo để đánh chìm thuyền địch. Loại thuyền lớn nhất của Tây Sơn gọi là "Định Quốc", giống như tàu ngày nay. Chính sử nhà Nguyễn gọi đó là loại thuyền Đại hiệu. Sách Hoàng Lê nhất thống chí mô tả thuyền Đại hiệu như một pháo đài di động, trên "lập chòi gác, đặt súng lớn" và có tới gần 700 binh lính trên một thuyền “Định quốc” này. Còn loại thuyền nhỏ nhẹ và linh động, dùng để bao vây, tấn công và xung kích.

Sở dĩ, triều đại nhà Tây Sơn, đặc biệt là dưới thời đại của hoàng đế Quang Trung, lực lượng quân đội hùng mạnh và có những chiến lược quân sự đặc sắc ngoài sự tài trí hơn người và nhân tâm hiền đức thì người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ đã thu phục được nhiều tướng lĩnh tài ba cùng góp tâm sức trí tuệ làm nên những chiến công lừng lẫy như Võ Văn Dũng, quan Tả thị Lang Bộ Lại Ngô Thì Nhậm, Đại Tư mã Ngô Văn Sở hay La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp…

Bởi được xây dựng trên nền tảng “Vua sáng - tôi trung”, bởi sự giúp sức của các tướng lĩnh, các sĩ phu Bắc Hà, cùng sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân khắp nơi, với những sách lược độc đáo về nghệ thuật quân sự, triều đại nhà Tây Sơn đã làm nên những chiến thắng vang dội - chiến thắng của lòng yêu nước, của tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.

Theo các nhà sử học, vương triều Tây Sơn không những đạt nhiều thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, mà trình độ kỹ thuật quân sự cũng phát triển vượt bậc. Chỉ tiếc rằng, Hoàng đế Quang Trung đã sớm băng hà, vua con là Nguyễn Quang Toản kế thừa không thành công đã khiến đại nghiệp nhà Tây Sơn nhanh chóng sụp đổ dù sở hữu sức mạnh quân sự được thế giới thừa nhận. Và cho đến hôm nay, nhà Tây Sơn được coi là một triều đại chính thống của Việt Nam, hoàng đế Quang Trung được coi là người anh hùng dân tộc với những chiến công chống ngoại xâm và cũng là người đề ra nhiều cải cách quan trọng trong xây dựng đất nước.

Xin mời nghe âm thanh tại đây: