Tên cuốn sách “Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn” lấy từ một câu thơ trong bài “Có một thời như thế” của Xuân Quỳnh, gợi nhớ đến những điều có giá trị và vĩnh viễn như những tác phẩm xuất sắc Xuân Quỳnh đã để lại cho nền văn học nước nhà.

“Có một thời vừa mới bước ra

Mùa xuân đã gọi mời trước cửa

Chẳng ngoái lại vết chân trên cỏ

Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi.

Đường chẳng xa, núi không mấy cách chia

Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn

Trang nhật ký xé trăm lần lại viết

Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau

Có một thời ngay cả nỗi đau

Cũng mạnh mẽ ồn ào không giấu nổi

Mơ ước viển vông, niềm vui thơ dại

Tuổi xuân mình tưởng vẫn mãi tươi xanh...”

Cuốn sách được PGS. Lưu Khánh Thơ (em gái Lưu Quang Vũ) biên soạn, NXB Hội Nhà văn và Công ty Cổ phần Truyền thông Nhã Nam phát hành. Trong cuốn sách “Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn” có nhiều tư liệu lần đầu tiên công bố: một số bức thư Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ gửi cho nhau trong những năm cuối đời, thư Xuân Quỳnh gửi cho con trai út Lưu Quỳnh Thơ (Mí) khi đi công tác tại Liên Xô. Một số ghi chép, kỷ niệm về những năm đầu yêu nhau nhiều trắc trở của cặp vợ chồng tài hoa… được PSG Lưu Khánh Thơ và gia đình chia sẻ.

Theo bà Lưu Khánh Thơ, từ những trang nhật ký, ghi chép cụ thể, người đọc hiểu hơn về tâm tư tình cảm, chất liệu cuộc sống đã góp phần làm nên những sáng tác của Xuân Quỳnh.

Tác phẩm gồm 285 trang, chia làm ba phần: Nhật ký, Ghi chép và Thư từ. Phần Nhật ký ghi lại quá trình Xuân Quỳnh mang bầu, sinh và chăm sóc con trai đầu lòng Tuấn Anh. Bà ghi lại mọi khoảnh khắc trong cuộc sống với những tình cảm đan xen lẫn lộn, hạnh phúc, lo lắng về sự xáo trộn, mệt mỏi khi lần đầu làm mẹ.

"Chiều 29/4/1966

Đây con mình đây. Mình đã sinh ra một con người thật sự, mình đã có con. Đứa trẻ nằm cạnh mình, nó ngọ nguậy. Một sinh vật thật kỳ lạ và rồi mình nghe nó khóc. Tiếng khóc yếu và đáng thương làm sao. Nó không gào lên và cũng không khóc oa oa như những đứa khác mà nó lại khóc "Ẹ... hẹ...e...he". Nghe thương quá! Cái giọng lại như ụm rụm. Tiếng khóc mỏng manh và cả cái tấm thân tí xíu của nó đều gửi cậy ở mình".

Phần Ghi chép là các sự việc, con người mà Xuân Quỳnh gặp trong những chuyến đi đến Vĩnh Linh, Quảng Trị thời kỳ kháng chiến chống Mỹ những năm 1967 - 1973, được viết trong hai cuốn sổ. Xuân Quỳnh khắc họa những năm tháng gian khổ mà hào hùng của dân tộc, đồng thời giúp người đọc hình dung hoàn cảnh ra đời nhiều bài thơ như Những chuyện hò miền Trung và đảo Cồn Cỏ, Thời gian ta đi trong lòng đất...

Phần thứ 3 của cuốn “Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn” với tựa đề là “Thư từ” chia làm ba phần nhỏ: Đối thoại tình yêu Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, Viết riêng gửi con, Tình cảm gia đình. Trong đó, phần một là những dòng tâm tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ gửi cho nhau. Các bức thư được xếp theo trình tự thời gian, thể hiện tình cảm yêu thương, đồng điệu trong tâm hồn cả hai. Ngoài ra, thư bày tỏ sự quan tâm đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những trăn trở, suy tư về hoạt động sáng tạo của hai nghệ sĩ.

Viết riêng gửi con là những bức thư nữ sĩ gửi con trai út Lưu Quỳnh Thơ. Khi ấy, mỗi lần đi công tác ở Liên Xô, bà thường dùng thư để kể lại những câu chuyện thú vị được nghe, chứng kiến ở nước bạn. Qua đó, bà gửi gắm tình cảm nhớ thương tới con.

Xuân Quỳnh được biết tới là một thi sĩ sáng tác thơ tình với những lời thơ vừa mộc mạc, sâu lắng, giàu nữ tính, lại vừa cháy bỏng, tha thiết, nồng nàn. Hơn cả, chữ “tình” trong các tác phẩm của Xuân Quỳnh rộng lớn hơn tình yêu đôi lứa, nó bao trùm cả tình yêu cuộc sống, tình yêu đất nước, tình nhân ái giữa con người với nhau, và tình mẫu tử.

Tập di cảo quý giá đã hé lộ những chất liệu cuộc sống đã góp phần làm nên những “cái tình” của nhà thơ. Lật giở từng trang sách, ta bắt gặp một Xuân Quỳnh quá đỗi đời thường và đầy giản dị. Đong đầy ở đây là hình ảnh của người mẹ với tình mẫu tử thiêng liêng.

"Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn" đã giúp độc giả gần như hình dung được Xuân Quỳnh đã sống ra sao, đã yêu thương, day dứt những gì trong mỗi bước vui buồn của đời sống. Đó là những năm tháng không yên của một thời kỳ lịch sử có Xuân Quỳnh sống và viết, yêu thương và lao động nghệ thuật hết mình như vậy!

Xuân Quỳnh sinh ngày 06/10/1942, mất cùng ngày 29/08/1988 với chồng bà, nhà viết kịch hàng đầu Lưu Quang Vũ, sau một tai nạn giao thông. Xuân Quỳnh nổi tiếng với bài "Thuyền và biển", "Sóng", "Thơ tình cuối mùa thu", "Tiếng gà trưa"..., các tập thơ "Hoa dọc chiến hào", "Lời ru trên mặt đất", "Sân ga chiều em đi", "Hoa cỏ may", "Tự hát"... Nữ sĩ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.