Chiếm tới 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn trước dịch, việc thiếu vắng khách Trung Quốc đã để lại khoảng trống khó lấp cho thị trường du lịch Việt Nam. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam cho thấy, đối với Việt Nam, khách Trung Quốc vốn là thị trường quan trọng. Trong giai đoạn 2015-2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 3,3 lần, mức tăng bình quân là 34,4% mỗi năm. Năm 2019, Trung Quốc vẫn là nguồn khách du lịch quốc tế lớn nhất với 5,8 triệu lượt.
Theo ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc công ty Du lịch Travelogy, thời điểm trước dịch năm 2019, trong số 18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, có khoảng 6 triệu khách Trung Quốc. Việc Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch là tin vui cho ngành du lịch nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng sau thời gian dài chuẩn bị và chờ đợi đón khách du lịch từ thị trường này. "Các doanh nghiệp du lịch đã sẵn sàng đón khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là khách từ Trung Quốc nhiều năm nay. Doanh nghiệp đã làm việc với các đối tác là các nhà hàng, khách sạn, chuẩn bị nhân lực, phương tiện vận chuyển… chỉ cần khách đến là sẵn sàng phục vụ. Việc mở cửa đón khách du lịch Trung Quốc sẽ giúp cho thị trường Việt Nam, chuỗi cung ứng của ngành du lịch Việt Nam không bị đứt gãy, phát triển mạnh mẽ. Các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, tàu, thuyền... nhân sự ngành du lịch sẽ được cân bằng hơn và kết nối tốt hơn".
Cũng theo ông Tuyên, sau 3 năm gián đoạn do áp dụng chính sách Zero Covid, nhu cầu du lịch của khách Trung Quốc có nhiều thay đổi, do đó các công ty du lịch cũng cần định vị lại dòng khách, làm mới sản phẩm... để đáp ứng nhu cầu của du khách. Những điểm đến khách Trung Quốc muốn ghé thăm nhất tại Việt Nam là thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hạ Long, Sa Pa, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang,Bình Thuận, Mũi Né, Phú Quốc và Đà Lạt. Tuy nhiên, các công ty lữ hành gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức khách du lịch vào Trung Quốc. Đầu tiên là khó khăn về tâm lý bởi khách hàng vẫn còn e ngại dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Tiếp đó là khó về cập nhật nguồn thông tin mới nhất, cần thiết nhất về các chính sách, hoạt động, điểm đến du lịch cũng như các đối tác cung ứng dịch vụ phía bạn để có thể sắp xếp dịch vụ và lên lịch khởi hành bảo đảm an toàn tour, đặt tình trạng tour ở mức rủi ro thấp nhất.
Số liệu Tổ chức Du lịch thế giới và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Du lịch toàn cầu đã công bố năm 2018, Trung Quốc là thị trường du lịch lớn, quan trọng với du lịch Châu Á cũng như thế giới. Chi tiêu của khách Trung Quốc đi nước ngoài đạt 277 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của khu vực châu Á, con số này chiếm 20% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của thế giới. Khách du lịch Trung Quốc có mức chi tiêu bình quân chuyến đi cao, đạt 1.850 USD/chuyến đi. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đông, nhưng mức chi tiêu lại chưa cao. Chẳng hạn năm 2017 theo thống kê mỗi du khách Trung Quốc chi khoảng 900 USD/1 chuyến đi tại Việt Nam, trong đó hơn 30% là cho lưu trú.
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đây là nội dung mà ngành du lịch bàn rất nhiều nhưng vẫn chưa giải quyết được. "Chúng ta cũng rất bức xúc vì khách du lịch Trung Quốc đi du lịch nước ngoài chi tiêu rất nhiều, bình quân là khoảng 1700-1800 đô la. Nhưng khi đến Việt Nam chúng ta lại không thu được nhiều là do ta quản lý khách chưa tốt. Chúng ta không thể đảm bảo khách đi theo tour 1 cách nghiêm túc, đúng lộ trình, họ không được mua những hàng hóa họ thích như họ mong muốn… Đây là điểm yếu chúng ta cần khắc phục", ông Bình nói.
Năm nay, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch kỳ vọng đạt khoảng 650.000 tỷ đồng. Do đó, với việc Việt Nam sẽ đón khách du lịch Trung Quốc theo đoàn, kỳ vọng mục tiêu đạt 8 triệu lượt khách quốc tế mà Việt Nam đề ra trong năm nay là hoàn toàn khả thi.
Từ 15/3/2023, Trung Quốc chính thức nối lại du lịch nước ngoài theo đoàn và dịch vụ “vé máy bay + khách sạn” (đợt 2) đến 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong danh sách được công bố, ngoài Việt Nam, còn có 39 quốc gia khác là Nepal, Brunei, Mông Cổ, Iran, Jordan, Tanzania, Namibia, Mauritius, Zimbabwe, Uganda, Zambia, Senegal, Kazakhstan, Uzbekistan, Georgia, Azerbaijan, Armenia, Serbia, Croatia, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Iceland, Albania, Italy, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Slovenia, Vanuatu, Tonga, Samoa, Brazil, Chile, Uruguay, Panama, Dominica, El Salvador, Dominica và Bahamas.
Mời nghe âm thanh chi tiết tại đây: