Tuần Văn hóa Du lịch - Thương mại làng nghề Vạn Phúc Hà Đông năm nay có chủ đề “Vạn Phúc – sắc màu hội nhập”, là hoạt động gắn với kỷ niệm 20 năm ngày thành lập phường Vạn Phúc và đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề dệt lụa Vạn Phúc; Bằng công nhận Điểm đến du lịch Thủ đô; Bằng công nhận các Đạo sắc phong công đức của Thành hoàng tại đình Vạn Phúc là tài liệu quý hiếm.

Theo Ban tổ chức, sự kiện nhằm khơi dậy niềm tự hào quê hương, quảng bá nghề dệt lụa truyền thống Vạn Phúc cũng như thúc đẩy xúc tiến thương mại – du lịch làng nghề, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh làng nghề đến đông đảo người dân Thủ đô cũng như du khách trong nước, quốc tế.

Tuần Văn hóa Du lịch - Thương mại làng nghề Vạn Phúc Hà Đông gồm 3 phần chính: Phần lễ, phần hội và hoạt động thương mại.

Theo đó, phần Lễ có chủ đề “Cội nguồn văn hóa làng nghề” với điểm nhấn là Lễ rước tôn vinh Tổ nghề để ghi ơn Đức Thành hoàng – Ả Lã Đê Nương có công gây dựng quê hương và truyền dạy Nhân dân Vạn Phúc nghề dệt lụa tơ tằm. Lễ rước được chia thành 3 khối rước chính: khối truyền thống cách mạng, khối tâm linh và khối nghề.

Phần Hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ và trò chơi dân gian như: hát Chầu văn, Ca trù, Dân ca quan họ, Chèo; trưng bày ảnh đẹp về Vạn Phúc xưa và nay; trình diễn áo dài nhí; Hội chợ quê; Hội thi vẽ tranh; trò chơi dân gian bịt mắt bắt lợn, bắt vịt... hay các trò chơi quảng bá làng nghề: Tiếp sức quay tơ, suốt, phơi lụa. Điểm nhấn là lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề dệt lụa Vạn Phúc; Bằng công nhận Điểm đến du lịch Thủ đô.

Hoạt động thương mại sẽ diễn ra xuyên suốt Tuần lễ và tại nhiều nơi trên địa bàn phường như: Phố Lụa, phố ẩm thực, cầu Am, phố hoa sinh vật cảnh, phố đồ cổ đồ xưa… Theo đó, tổ chức giao lưu thương mại các làng nghề truyền thống Hà Nội với các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm của làng nghề truyền thống như: Làng gốm Bát Tràng, gốm sứ Kim Lan (huyện Gia Lâm); làng thêu Quất Động (huyện Thường Tín), giới thiệu nghệ thuật thêu trên lụa; làng mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ)…

Bên cạnh đó còn có các tour du lịch trải nghiệm, tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích đình – chùa – miếu và đền thờ Tổ nghề; tham quan, tìm hiểu về nghề dệt lụa cổ truyền, tham gia trải nghiệm tại Công ty cổ phần lụa Vạn Phúc, cơ sở Nguyệt Nam silk, Mão silk, Lan Sơn silk… hay ghép tranh lụa tại Hợp tác xã Vụn Art.

Theo ông Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc, Trưởng Ban tổ chức, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị theo kế hoạch về chỉnh trang đô thị, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, tài chính hậu cần… đều đã được hoàn tất, trên tinh thần đảm bảo hiệu quả, thiết thực, an toàn và tiết kiệm. Ngoài ra, phường cũng phát động Tuần lễ mặc áo dài Vạn Phúc để tôn vinh di sản làng nghề, đồng thời tạo điểm nhấn thú vị trong thời gian diễn ra sự kiện.