Dòng chảy của văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới cho thấy: nhận thức về văn hóa, ngày càng phát triển toàn diện, sâu sắc hơn. Những giai đoạn, thời điểm đất nước khó khăn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc lại được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của văn hóa và phát huy vai trò của văn hóa trong điều kiện mới... “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển”. Điều này cho thấy, Đảng luôn quan tâm đến văn hóa, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển quốc gia - dân tộc. Trong công cuộc đổi mới, Đảng không ngừng bổ sung, phát triển đường lối xây dựng nền văn hóa mới phù hợp với tiến trình phát triển đất nước.
Chúng ta là ai trong cộng đồng văn hóa dân tộc Việt Nam?
Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy- nhà nghiên cứu văn hóa, Giám đốc thành lập Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng“Trong một xã hội đương đại sự hòa nhập trong mỗi quốc gia và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Một căn tính nhân bản về tâm hồn của con người biết yêu quí và tôn trọng văn hóa của mình và văn hóa của những người khác trở thành 1 tiêu chuẩn rất quan trọng của con người trong thế giới phẳng. Mọi sự giao lưu quốc tế đều rất cần tìm hiểu mình là ai và cần có phẩm chất tôn trọng văn hóa của mình và văn hóa của những người khác”.
Có thể thấy các giá trị văn hóa giống như sợi dây kết nối từ quá khứ tới hiện tại và tương lai. Có quan điểm cho rằng: “Văn hóa chính là “thương hiệu”, là giá trị quốc gia và là nguồn lực nội sinh phát triển đất nước”. Một đất nước muốn phát triển bền vững phải dựa trên nền tảng văn hóa. Cốt lõi của nền tảng đó là khát vọng về phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên mảnh đất Việt Nam. Nền tảng văn hóa đó truyền từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác và luôn luôn bổ sung mới cho phù hợp với thời đại.
Từ Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của Đảng về tầm quan trọng của văn hóa bên cạnh các vấn đề kinh tế xã hội khác. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy phân tích: “Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là sự kế thừa những tinh hoa văn hóa của dân tộc, là nâng tầm văn hóa dân tộc cho phù hợp với thời đại, là tiếp thu những thành tựu văn hóa thế giới cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam để làm giầu văn hóa Việt Nam. Giá trị cốt lõi của nền văn hóa tiên tiến chính là tư tưởng độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân.”
Muốn cho nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta phải bảo tồn các giá trị văn hóa từ ngàn xưa để lại, trong đó việc bảo tồn các giá trị đặc sắc riêng có của từng dân tộc là vô cùng quan trọng. 54 dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc tồn tại cho đến ngày nay chứng tỏ học đã xây dựng được cho mình những giá trị riêng biệt để có thể tồn tại trường tồn với những bản sắc riêng để phân biệt mình với dân tộc khác.
Có thể nói: Văn hoá là tấm thẻ căn cước của một dân tộc, để tồn tại với bản sắc của chính mình không bị nhạt nhoà theo thời gian và quan trọng hơn là không bị đồng hoá vào một nền văn hoá khác. Giữ gìn phát triển bản sắc văn hóa dân tộc chúng ta sẽ được định danh con người đất nước Việt Nam trong thời đại mà ranh giới, biên giới quốc gia không chỉ là hữu hình.
Mời các bạn nghe âm thanh cuộc trò chuyện của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy dưới đây: