Với 120 trên tổng số 155 phiếu bầu, Việt Nam là quốc gia giành số phiếu cao nhất trong Nhóm IV các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời cao nhất trong số các nước trúng cử vào Uỷ ban liên Chính phủ (UBLCP) Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO nhấn mạnh, với tư cách là thành viên UBLCP nhiệm kỳ 2022-2026, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước 2003, nâng tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể vì đây không chỉ là nguồn lực thiết yếu cho đa dạng văn hóa, sáng tạo, đối thoại giữa các nền văn hóa và gắn kết xã hội mà còn là động lực cho sự phát triển bền vững.

Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO; khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam tại UNESCO nói riêng và trên trường quốc tế nói chung, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá cho biết, vừa qua Chính phủ Việt Nam đã nghiên cứu, sửa đổi Luật Di sản văn hoá. Trong quá trình đó, Công ước 2003 là công cụ pháp lý quan trọng góp phần định hướng và hỗ trợ Việt Nam ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng và phù hợp với công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể tại Việt Nam. "Việt Nam - với tư cách thành viên UBLCP của Công ước - sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể tập trung chia sẻ các thực hành tốt, thúc đẩy các mục tiêu của Công ước, thúc đẩy các ưu tiên của UNESCO, nâng cao nhận thức, tăng cường đóng góp hoàn thiện cơ chế của Công ước, tăng cường các di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia vì sự tôn trọng lẫn nhau, đối thoại đa văn hóa và sự phát triển bền vững, thúc đẩy sự cộng hưởng lớn hơn giữa các Công ước về văn hóa, thúc đẩy các hoạt động và sự kiện kỷ niệm 20 năm ra đời Công ước".

Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO gồm 24 thành viên, là cơ quan điều hành quan trọng về bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể, chịu trách nhiệm trong giám sát thực thi công ước, đề xuất các biện pháp bảo vệ di ản phi vật thể, hỗ trợ quốc tế, xem xét các hồ sơ đệ trình ghi danh… để Đại hội đồng Công ước thông qua.

Là một trong số những thành viên được bầu sớm nhất vào Ủy ban liên Chính phủ cho nhiệm kỳ 2006 - 2010, Việt Nam đã có nhiều đóng góp chủ động và mang tính xây dựng cho sứ mệnh của Ủy ban trong việc bảo vệ và phát huy di sản. Chuyên gia độc lập Việt Nam trong Cơ quan đánh giá nhiệm kỳ 2017 - 2020 và tổ chức phi chính phủ được công nhận với tên gọi Trung tâm Nghiên cứu, Hỗ trợ và Phát triển của Văn hóa đã tích cực hỗ trợ Ủy ban về công tác chuyên môn. Việt Nam là quốc gia đầu tiên đề nghị và Ủy ban liên Chính phủ đồng ý đưa 1 di sản ra khỏi Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hiện nay, Việt Nam có 14 di sản văn hoá phi vật thể được ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO.