Vở kịch do Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO) và Trường kịch nghệ ATH phối hợp tổ chức công chiếu trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội như fanpage của Viện Pháp tại Hà Nội - L'Espace, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, ATH, Viện Pháp tại Huế, Viện Pháp tại Đà Nẵng, Viện Pháp tại TP.HCM, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, Phap.fr, France Alumni Vietnam, Hanoi Grapevine.Và trên Youtube: Phap.fr

"Chuyện người lính"

Phỏng theo
Nhạc: Igor Stravinsky
Lời: Charles Ferdinand Ramuz
Giám đốc nghệ thuật: Marcelino Martin Valiente
Chỉ huy dàn nhạc: Honna Tetsuji

Những nghệ sĩ đến từ Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam
Violon: Nguyễn Thiện Minh
Contrabass: Nguyễn Quang Trung
Bassoon: Văn Thanh Hà
Trumpet: Phạm Văn Hiếu
Trombone: Trần Hiền
Clarinet: Tạ Trung Đức
Bộ gõ: Bùi Anh Dũng

Thiết kế hình ảnh và minh hoạ: Nguyễn Mỹ Anh
Diễn viên: Hứa Thanh Tú & Quentin Delorme (ATH) & Marcelino Martin Valiente
DJ: Thibaut Rabier

“Chuyện người lính” giữ một vị trí đặc biệt trong kho tàng tác phẩm của Stravinsky. Đượm sắc màu của jazz và tango, vở opera thính phòng nhỏ gọn này được sáng tác dành cho 7 nhạc công và 3 giọng kể.

Nội dung của vở kịch kể về một người lính bại trận, bị thương và trở về nhà. Trên đường về, anh gặp phải một con quỷ đội lốt người và bị nó lừa vào nhà ở. Con quỷ dụ dỗ anh đổi lấy chiếc đàn violin thì mới cho cuốn sách làm giàu và trả anh về thế giới đời thực. Sau khi đổi, người lính mới nhận ra anh đã bán linh hồn của mình cho quỷ dữ. 2 ngày trong nhà của quỷ bằng 3 năm ở thế giới thực. Khi trở về nhà, người mẹ già của anh lính đã qua đời, còn vợ đi lấy người khác.

"Chuyện người lính" không đề cập đến súng đạn, không hề có chiến trường ác liệt. Trong phiên bản "Chuyện người lính" lần này, câu chuyện của người lính cũng là chuyện của ác quỷ, cái ác trở nên vô hạn độ, vợi xa, bất định, không thể nắm bắt, không ngừng truy vấn lại sự vô thường của kiếp nhân sinh.

Đây là một trong những vở opera thính phòng kinh điển của thế giới và đã từng được dàn dựng rất nhiều với những phiên bản khác nhau. Lần này, "Chuyện người lính” sẽ là một phiên bản mang tính cách tân, là một hành trình đầy tính thể nghiệm nơi nhạc cổ điển, DJ, kịch nghệ và nghệ thuật thị giác cùng nhau dung hợp trong một sáng tạo chưa từng có từ trước đến nay.

Khởi nguồn dự án sáng tạo này là Honna Tetsuji, nhạc trưởng người Nhật Bản từng chỉ huy nhiều vở opera cổ điển và đương đại. Ông từng nhận hàng chục giải thưởng danh giá, bao gồm Giải thưởng của Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Huân chương vì sự nghiệp Văn hóa của Bộ VHTT&DL Việt Nam. Honna Tetsuji hiện là Giám đốc âm nhạc kiêm Nhạc trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam. Ông từng làm việc với nhiều nghệ sĩ solo hàng đầu thế giới và chỉ huy dàn nhạc tại những khán phòng hòa nhạc danh tiếng như New York Carnegie Hall (Mỹ), La Fenice (Italy), Phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Tchaikovsky và khán phòng Saint-Peterburg (Nga)... Về âm nhạc, các nhạc công tài năng của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji sẽ mang đến cho khán giả một không gian âm nhạc rộng lớn.

Đảm nhiệm cương vị Giám đốc nghệ thuật của vở oprea thính phòng đương đại này là đạo diễn người Pháp Marcelino Martin Valiente. Được biết đến như một nghệ sĩ đa tài, hoạt động trong nhiều vai trò khác nhau như biên đạo múa, đạo diễn phim, sân khấu, Valiente từng lưu diễn tại nhiều quốc gia như Ba Lan, Pháp, Ý, Pakistan...

Ngoài ra, tác phẩm còn được dẫn dắt bằng tranh minh họa của Nguyễn Mỹ Anh với sự cố vấn của họa sĩ Nguyễn Thành Phong. Cả hai là đồng tác giả của bộ truyện tranh "Long thần tướng" và là tác phẩm hiếm hoi của Việt Nam nhận được giải thưởng uy tín trên thế giới.

Bà Caroline Mandrion, quốc tịch Pháp-Thụy Sĩ chia sẻ: “Tôi rất thích cách chuyển thể và dàn dựng vở kịch này. Tôi đã từng xem nhiều phiên bản Chuyện người lính ở Thụy Sĩ, cổ điển hơn nhiều; và tôi thực sự rất thích phiên bản lần này. Có một chi tiết rất trùng hợp là vở diễn này ra đời cách đây hơn 100 năm. Nghe nói vở kịch ban đầu không được công diễn do dịch cúm Tây Ban Nha. Và lần này, Chuyện người lính (với sự tham gia của các nghệ sĩ Pháp, Việt Nam và Nhật Bản) lại được dựng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Sự kết hợp độc đáo và đầy sáng tạo giữa các loại hình nghệ thuật (hình họa, DJ, kịch…) đã khiến một tác phẩm cũ trở nên hết sức đương đại và hoàn hảo. Nói chung đây là một vở kịch tuyệt vời, rất đáng xem”.

Thực ra, theo kế hoạch ban đầu, Chuyện người lính sẽ được lưu diễn tại một số tỉnh và thành phố tại Việt Nam để công chúng có cơ hội tiếp cận một tác phẩm kinh điển của thế giới và thưởng thức tài năng nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh kéo dài với nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật bị hủy bỏ, Viện Pháp tại Việt Nam kết hợp cùng các đối tác quyết định công chiếu trực tuyến vở kịch Chuyện người lính vào 20h ngày 23/10.