Vua Tự Đức (1829 - 1883) là con thứ hai của vua Thiệu Trị tên thật là Nguyễn Phúc Thì (Thời), tên chữ là Hồng Nhậm (Nhiệm). Ông là vị vua thứ 4 của vương triều Nguyễn, lên ngôi cuối năm 1847, niên hiệu là Tự Đức, nổi tiếng là hay chữ và có hiếu với mẹ.

Theo Tiến sĩ Sử học Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc Thư viện Viện Sử học, kế thừa và phát huy truyền thống của các vị vua đầu triều Nguyễn, khi được trao vương quyền quản lý toàn bộ công việc triều chính, vua Tự Đức đã lưu tâm ngay đến việc bảo vệ chủ quyền trên đất liền cũng như biển đảo quốc gia.

Điều này được thể hiện rõ trong những Dụ chỉ của vua Tự Đức cho triều thần trị nhậm tại các địa phương ven biển. Vào giai đoạn vua Tự Đức mới lên ngôi, giặc biển hoành hành trên nhiều vùng biển thuộc hải phận nước ta và trở thành ''vấn nạn".

Do nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ chủ quyền lãnh hải và biển đảo, vua Tự Đức một mặt kế thừa truyền thống giữ vững an ninh biên giới của tổ tiên ông cha, đồng thời cũng phát huy việc xây dựng lực lượng thủy quân nhằm phòng thủ và giữ vững cương giới trên biển. Trước tình hình giặc biển hoành hành tại nhiều tỉnh ven biển như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam..., nhà vua đã sai quan các tỉnh, đạo canh phòng nghiêm ngặt khắp nơi ven biển trong địa hạt đang cai quản. Nhà vua chủ động tìm hiểu sự tiện lợi và những hạn chế của các loại thuyền đang được sử dụng, từ đó đưa ra những phương sách bổ sung loại thuyền phù hợp cùng trang thiết bị vũ khí để tăng cường khả năng vũ trang chống lại tấn công của giặc biển.

Lực lượng thủy quân được sự quan tâm thích đáng của vua Tự Đức đã hình thành một đội thuyền chiến bao gồm: tàu máy hơi nước, thuyền bọc đồng, thuyền hải vận, thuyền Ô, thuyền Lê, thuyền Khoái, thuyền đinh... Trong đó riêng thuyền bọc đồng được chia thành các hạng nhất, hạng nhì và hạng ba.

Bên cạnh việc chú trọng phát triển binh lính, vua Tự Đức còn rất lưu tâm đến việc chế tạo, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền và đầu tư mua tàu. Kinh nghiệm đóng tàu máy dưới các triều Minh Mệnh (1820 - 1840) và Thiệu Trị (1841 - 1847) cũng được vua Tự Đức có ý thức tiếp tục kế thừa. Năm 1863, nhà vua đã sai quan lính đến Hương Cảng (Hồng Công) đi theo các tàu máy chạy bằng hơi nước của Tây dương để học tập và chế tạo... Đến năm 1866, vua lại tiếp tục cử một số lính thợ của các địa phương tới học cách đúc súng, đóng tàu thủy, các loại máy móc... của Pháp tại Gia Định. Song do tình hình chính trị - quân sự phức tạp, giặc biển hoành hành khắp nước, nên triều đình không kiên trì tập trung lực lượng vào việc đóng tàu máy, mà chủ yếu lấy kinh phí Nhà nước đi mua tàu của các nước phương Tây.

Trong thời gian gần 36 năm trị vì đất nước, vua Tự Đức đã nhiều lần sai triều thần sang nước ngoài mua các loại thuyền máy tân tiến tăng cường cho lực lượng thủy quân. Đại Nam thực lục cho biết: Nhà vua để ý đề phòng mặt biển, cho là thuyền máy chạy bằng hơi nước, so với các thuyền là được việc hơn. Triều đình đã thuê các thợ kỹ thuật người nước ngoài phụ trách tàu và hướng dẫn quan binh trong nước để nhanh chóng có thể điều khiển các tàu đi vào hoạt động.

Việc chú trọng xây dựng thủy quân của vua Tự Đức vừa là sự kế thừa và phát huy tinh thần hướng biển của triều Nguyễn nhưng có sự sáng tạo mang dấu ấn riêng. Vị vua thứ 4 triều Nguyễn khá am hiểu vùng biển đảo của cả nước, chỉ rõ những khó khăn trở ngại của loại thuyền nhỏ khi ra biển. Đặc biệt, nhà vua còn phát huy sức sáng tạo cùng kinh nghiệm đi biển của cư dân ven biển để tham gia đóng các loại thuyền. Trong đạo Sắc gửi cho bộ Binh, vua Tự Đức chỉ rõ: Nay Trẫm muốn sai các tỉnh có phận biển khuyên dụ dân ven biển trong hạt tình nguyện đóng thuyền quyên nộp, theo kiểu mẫu nào cho nhẹ và nhanh, liệu dài rộng hơn. Thuyền cần phải để được các cỗ súng Phách Sơn, Quá Sơn, chiểu theo lệ quyên hậu thưởng cho. Ngoài ra, còn quy định rõ công tác phòng thủ, cùng việc sắp xếp, huấn luyện dân binh bổ sung cho lực lượng thủy quân để sẵn sàng chiến đấu và có thể mưu sinh tại các cửa biển trọng yếu.

Tuy vua Tự Đức đã cố gắng xây dựng, nhưng so với đội ngũ tàu chiến cùng trang thiết bị của các nước phương Tây, nhất là nước Pháp thì lực lượng thủy quân thời kỳ này vẫn còn quá thô sơ và lạc hậu. Hai cuộc xung đột quân sự ở cảng biển Đà Nẵng vào các năm 1847 và 1858, đã chứng tỏ sự thua thiệt về mọi mặt của thuyền chiến triều Nguyễn.

Tuy chưa mang lại những thành công vang dội, nhưng việc xây dựng lực lượng thủy quân của vua Tự Đức để lại những bài học quý trong việc xây dựng lực lượng quân sự trên biển, đặc biệt là trọng dụng kinh nghiệm của cha ông trong công tác kết hợp kinh tế và quốc phòng khi sử dụng các thủy binh là ngư dân.

Vua Tự Đức cai trị đất nước trong giai đoạn lịch sử có nhiều rối ren biến động, tuy ông đã chăm lo chính sự, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu canh tân đất nước. Nhưng, lịch sử cần ghi nhận những nỗ lực của vua Tự Đức trong việc xây dựng đội ngũ thủy quân bảo vệ chủ quyền quốc gia cho vương triều Nguyễn.

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: