Tại buổi làm việc sáng 9/9/2021 giữa Ban Tuyên giáo TƯ và Bộ VHTT&DL, hai cơ quan đã cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được thời gian qua, đặc biệt 5 năm trở lại đây. Đồng thời, thúc đẩy công tác phối hợp trong giai đoạn tiếp theo 2021-2026.
Theo đó, những nội dung quan trọng được thúc đẩy bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, gia đình, thể thao và du lịch. Tham mưu xây dựng các đề án nhằm triển khai, cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, gia đình, thể thao và du lịch. Định hướng, chỉ đạo công tác tuyên truyền các ngày lễ lớn và sự kiện trọng đại của đất nước. Chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền về các chương trình, hoạt động phối hợp công tác của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.
Nhìn nhận lại công tác phối hợp 5 năm qua, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, khối lượng công việc mà ngành VHTT&DL đã làm thời gian qua tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của nhân dân và gắn bó chặt chẽ, máu thịt với công tác tuyên giáo.
Tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh về những "điểm sáng" của ngành giai đoạn 2016-2021: đa dạng các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật; quan tâm xây dựng văn hóa cơ sở; các hoạt động tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình (gắn với Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam), đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa...
Một điểm đang ghi nhận là trong bối cảnh cả nước thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Bộ VHTT&DL đã nỗ lực tổ chức triển khai nhiều hoạt động gắn sát với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên lĩnh vực xây dựng và phát huy giá trị sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành. Đó là môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn khoảng cách lớn. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng chưa thật sự đi vào chiều sâu. Công tác phát triển công nghiệp văn hóa còn chậm. Ngành văn hóa chưa thể hiện rõ được vai trò, tiếng nói của mình trong công tác tham mưu các giải pháp đối với quá trình sáp nhập các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Đặc biệt, tư duy quản lý văn hóa, thể thao, du lịch chưa theo kịp sự phát triển của xã hội.
“Chúng ta phải đổi mới tư duy làm văn hóa sang quản lý văn hóa để giải quyết các mâu thuẫn. Cần phải nhận diện rõ những hạn chế tồn tại, những thách thức để phát triển. Nhận thức đúng để hành động đẹp” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, về văn hóa, xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam; Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mỗi gia đình; Phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ…
Về thể dục thể thao, có chính sách và cơ chế phù hợp để bồi dưỡng và phát triển tài năng, đưa thể thao Việt Nam đạt vị trí cao trong khu vực, từng bước tiếp cận thành tích châu lục và thế giới ở những bộ môn phù hợp với thể trạng tầm vóc người Việt Nam…
Về du lịch, phát triển du lịch theo hướng bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển KT-XH của đất nước; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc…
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ với những khó khăn, thách thức của ngành VHTT&DL trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có tác động không nhỏ đến hầu hết các lĩnh vực. Đồng thời, đề nghị ngành quan tâm thực hiện 7 nội dung, trong đó tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các chương trình hành động của ngành nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng đã ban hành; thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thông qua công tác quản lý nhà nước của Bộ.
“Ngành văn hóa cần tập trung nghiên cứu hoàn thiện xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế gắn với giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam. Quan tâm đầu tư có trọng điểm trọng tâm tạo sự đột phá về cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với thiết chế văn hóa, thể thao, nghiên cứu đầu tư một số công trình văn hóa trọng điểm quốc gia và tầm nhìn đến 2030-2045 có tầm nhìn khu vực và thế giới tương xứng với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình văn hóa trong việc phục vụ đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân”, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.