Cho dù có thể còn nhiều tranh cãi về hình tượng nhạc sỹ họ Trịnh hay những “nàng thơ” của ông trong phim, thì vẫn có một điều mà bất kỳ ai xem phim xong cũng đều phải công nhận, ấy là hình ảnh trong phim quá đẹp, quá thơ và âm nhạc thì tràn đầy xúc cảm.
Nhạc sỹ tạm biệt nhân thế đã hơn 20 năm nhưng âm nhạc của ông thì luôn có một sức sống mãnh liệt trong trái tim, trong tâm hồn những người trót thích và yêu những thanh âm khi thì trong veo, bay bổng, phiêu du, lúc lại day dứt, thâm trầm, vụn vỡ ...
Yêu thích nhạc Trịnh không chỉ có những người “muôn năm cũ” mà còn có một số lượng đông đảo người trẻ, gồm cả thế hệ Gen Z. Một trong những người đã cover lại các ca khúc của Trịnh, theo một phong cách sáng tạo, đầy hơi thở đương đại, nhưng không làm mất đi cái hồn cốt âm nhạc Trịnh Công Sơn là ca sỹ Hà Lê. Anh làm mới nhạc của ông, nhằm đưa các tuyệt tác nhiều khi giàu tính triết lý, đa tầng ngữ nghĩa, tới gần với lớp khán giả nhiều nhiệt huyết, giàu năng lượng nhưng còn thiếu sự trải nghiệm.
Bộ phim sử dụng rất nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn, trong đó có “Mưa hồng”, sáng tác năm 1964.
Khi Hà Lê quyết định cover nhạc Trịnh, phần lớn người yêu âm nhạc thấy thật khó tin. Liệu có điểm gì chung giữa một rapper sinh năm 1984, phong cách bụi bặm, đầy chất hip hop và người nhạc sỹ ra đời trước anh gần nửa thế kỷ, vô cùng lãng mạn, thâm trầm, sâu sắc?
Vậy mà chàng ca sỹ nhìn có phần xấu trai và hơi ngông nghênh ấy đã làm được!
Âm nhạc của Trịnh, qua giọng hát của Hà Lê, Bùi Lan Hương, với những bản phối mới thật tươi trẻ, ngẫu hứng, vẫn đẹp đẽ một cách sang trọng nhưng lại thêm chất ma mị, liêu trai đầy quyến rũ. Và những bản cover đó nhanh chóng “quyến rũ” cả những người lớn tuổi, lứa tuổi được mặc định, khu biệt là phù hợp với nhạc Trịnh Công Sơn, lẫn cả giới trẻ, vốn mãnh liệt và sục sôi như những cơn mưa rào mùa hạ hay rực rỡ, ngút ngàn như những buổi trưa nắng cháy bỏng da.
Tràn ngập trong MV “Mưa hồng” là hình ảnh của cát! Cát gợi nhắc về triết lý nhân sinh “thân cát bụi lại trở về cát bụi” của lãng du họ Trịnh: “Ôi cát bụi mệt nhoài...”; “Ôi cát bụi phận này”, “Ôi cát bụi tuyệt vời”... mà sao thật thấm thía những phận người, phận đời...
Và giữa một không gian lãng đãng buồn và nhuốm màu u ám, hình ảnh “Đường phượng bay” bỗng bừng sáng cả đất trời!
Ngỡ nhìn thấy những tà áo dài nữ sinh trắng tinh khôi, yểu điệu, thướt tha, ùa ra nơi cổng trường, như đàn bươm bướm chấp chới trong nắng vàng. Từ trên cao, một làn gió thổi qua, rơi lả tả xuống cái nền trắng thơ ngây, mong manh phía dưới là cơn mưa những cánh phượng hồng, cháy đỏ rực rỡ trong buổi tan trường...
Trịnh Công Sơn, người nhạc sỹ hàng đầu trong nền tân nhạc Việt Nam đã “về với cát bụi” hơn 20 năm nhưng những bài hát với ca từ thấm đẫm chất thơ, đẹp huyền hoặc của ông vẫn được cất lên khắp muôn phương…
Mặc những chê bai, tranh cãi, hàng dài người đủ mọi lứa tuổi, vẫn kiên nhẫn, nối nhau, xếp hàng để có được 135 phút đắm chìm cùng lãng du họ Trịnh và những “nàng thơ” trong thế giới đẹp vô bờ của “Em và Trịnh”...
“Thân cát bụi lại trở về cát bụi”!
Ai rồi cũng phải vĩnh biệt cuộc đời, theo một cách nào đó, vào một thời khắc nào đó, nhưng nhạc sỹ họ Trịnh, với gia tài đồ sộ âm nhạc, thơ ca, hội họa... và trên hết là tấm lòng, cái nhìn trong veo, thánh thiện của ông với cuộc đời này đã khiến cho những phận người, phận đời hóa nên “Cát bụi lộng lẫy” (chữ dùng của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Mặc những tranh cãi trái chiều bùng nổ dữ dội trên mạng xã hội, “Em và Trịnh”, bộ phim tái hiện lại những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời người nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn vẫn đón nhận một lượng khán giả rất lớn và đã thu được gần 96 tỷ đồng tiền bán vé, là phim Việt bán được nhiều vé nhất trong nửa đầu năm 2022.