Anh Thư
Những lúc ngồi một mình ôm con trong bóng đêm, tôi hay nghĩ đến mẹ, nhớ bàn tay của mẹ...
Thơ Xuân Quỳnh viết:
Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Nếu lấy tiêu chí thon dài là đẹp thì bàn tay mẹ có thể gọi là xấu. Mu bàn tay không to, lòng bàn tay không rộng nhưng những ngón tay thì ngắn, da tay lại khô và dày, vết chai tay lại càng khô hơn. Ngón tay như thế, người quê gọi là tay dùi đục. Người có những ngón tay dùi đục không thể là người khéo léo. Có lẽ vậy nên mẹ không biết chế biến những món ngon cầu kì, không biết tỉa hoa làm mứt, không biết thêu thùa đan lát. Cả đời mẹ chỉ biết nấu những món ăn đơn giản dễ làm, không cần phải nêm nếm nhiều gia vị. Cá thì có cá nấu cá rán cá kho. Thịt thì có thịt luộc thịt rang. Trứng thì trứng luộc hay trứng bác. Ngày giỗ ngày Tết quấn thêm vài cái nem. Vậy thôi. Mẹ cũng chẳng có nhu cầu nhiều về ẩm thực, chẳng biết đến những món nhẹ món nặng ê hề ở bao nhiêu nhà hàng khách sạn kia. Khâu vá đan lát cũng thế, mẹ chỉ biết khâu vá đan lát theo đường thẳng, không hoa văn cách điệu, không đường lượn đường cong. Chẳng biết có phải vì mẹ đơn giản vụng về mà ảnh hưởng tới tôi sau này không. Tôi cũng không biết làm những món cầu kì tinh tế. Tôi cũng chỉ biết khâu đường thẳng và đan mũi lên mũi xuống. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng”. Vậy mà tôi chỉ thích bổ củi, thích xách nước, thích cuốc đất làm vườn. Tất nhiên, những công việc đổ mồ hôi đó là do tôi lựa chọn chứ chẳng có ai bắt ai đòi. Còn mẹ, bàn tay mẹ khó nhọc lam lũ từ thủa bé. Đến khi chuyên tâm cầm viên phấn trắng, bàn tay ấy vẫn không ngừng thao thức, vẫn không ngừng lo toan. Bàn tay ấy thức khuya dậy sớm cả khi trời nóng nực hay đêm giá rét, chắt chiu, vun vén cho bữa cơm giấc ngủ ấm nồng của những đứa con thơ.
Tôi biết, những hôm trời giá rét, bàn tay ấy phải dậy từ bốn năm giờ sáng, tất tả giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị miếng nước miếng cháo cho con cái chu tất rồi vội vã lùa miếng cơm nguội, vội vã dắt chiếc xe thống nhất già nua ra đường, kịp giờ trống báo tiết dạy đầu. Bàn tay ấy đã từng rét run lên khi chạm vào nước lạnh, từng nẻ nứt tứa máu, nhưng vẫn vui vẻ xoa vào nhau, cọ vào nhau tìm hơi ấm.
Tôi biết, những đêm hè oi bức, bàn tay ấy không ngơi nghỉ, đều đều đưa gió mát cho con thơ tròn giấc. Nhà không có điện. Mà có điện thì cũng mãi về sau sảu sàu sau mới mua được chiếc quạt con cóc. Không dùng quạt nan thì dùng gì? Hai đứa con nhỏ rôm xảy đầy lưng. Rôm cắn làm chúng khó chịu ỷ ôi. Bàn tay mẹ quạt cho đứa này, xoa lưng cho đứa kia. Có khi cả hai tay mẹ hai cái quạt nan, quạt hối hả, quạt không ngừng nghỉ. Chẳng biết mắt mẹ có ngủ không nhưng đôi bàn tay không hề ngủ. Không hề ngủ trong nhiều đêm mùa hè liên tiếp. Nhiều đêm thức giấc giữa chừng, tôi vẫn nghe thấy tiếng quạt nan kêu trèo trẹo. Tay quạt có khi ngập ngừng một chút, lơi là một chút, sau đó lại như bừng tỉnh, lại đều đều đưa gió mát, thậm chí nhịp đưa còn nhanh hơn, gấp hơn như để bù lại một hai giây vừa rồi nhỡ mỏi tay, chùng quạt...
Mẹ ngủ vào lúc nào trong những đêm mùa hè ấy? Chẳng lẽ mẹ cứ thức trắng như vậy sao? Hay là mẹ ngủ mà tay mẹ vẫn thức? Những câu hỏi đó tôi đã tự biết hỏi mình từ khi sáu bảy tuổi. Những câu hỏi chưa bao giờ quên mà luôn sáng rõ trong tôi, tôi loay hoay giải mã, loay hoay tìm câu trả lời mỗi khi mùa hè đến rồi mùa hè qua. Tôi tìm lời giải mãi, cả khi xung quanh tôi đã có đầy đủ quạt máy, đầy đủ quạt hơi nước, quạt tản gió, quạt tích điện và điều hòa mát mẻ... Tôi không trả lời được, cả khi trời nóng nức, điện thì mất và tay tôi phe phẩy chiếc quạt nan.
Ừ nhỉ, chiếc quạt nan… Một vài lần mất điện, tôi cũng phe phẩy quạt nan quạt cho con. Nhưng chỉ được vài cái là mỏi tay, là chán, lòng ngán ngẩm trách tự dưng vô duyên mất điện, tự dưng để người ta khổ thế này, lạy giời cho có điện ngay đi... Khi có điện rồi, bình tâm nghĩ lại, thấy mình sao không thể làm được một phần như mẹ. Mẹ từng nhẫn nại quạt cho con hết đêm này qua đêm khác, đều đều, êm ả. Tôi bây giờ trẻ hơn mẹ ngày xưa, trẻ hơn và khỏe hơn, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng hơn, vậy mà sao không thể nào quạt cho con quá mười lăm phút. Một tay mẹ đều đều quạt, một tay mẹ xoa lưng cho tôi, miệng mẹ thì kể chuyện, toàn những chuyện ngày xửa ngày xưa mẹ đói khổ mẹ vất vả thế nào, phải vừa học vừa làm ra sao... Toàn những chuyện như trong cổ tích, mẹ kể một lần, kể nhiều lần, kể đến thuộc lòng mà tôi vẫn háo hức nằm nghe. Bàn tay mẹ xoa lưng cho tôi, bàn tay với những ngón tay ngắn và thô và đầy chai. Bàn tay ấy làm dịu đi cái nóng oi ả đang vây bủa, dịu đi những vết rôm xảy, dìu dịu ru tôi vào giấc ngủ.
Ấy vậy mà có lần gần như tôi hất tay mẹ ra, nói rằng tay mẹ ráp quá, làm con khó chịu. Từ bữa đó, mẹ không bao giờ xoa lưng cho tôi nữa. Cũng từ đó giấc ngủ của tôi có gì như hụt hẫng như thiếu vắng. Tôi nhớ bàn tay ấy, nhớ cái ram ráp của da bàn tay vốn dầy và khô với những vết chai hằn theo năm tháng. Tôi thèm được lặp lại cảm giác thanh bình êm ả đó biết bao. Thèm nhưng chưa bao giờ nói với mẹ. Thèm cả khi đã lớn và chắc chắn còn thèm cả khi đã về già.
Khi có con, mỗi tối tôi thường xoa lưng cho con ngủ. Xoa nhẹ nhàng đều đặn theo chiều kim đồng hồ. Xoa để cảm nhận làn da trẻ con nhẵn nhụi mỏng manh và mềm mại. Xoa như thế năm mười phút là con ngủ say, hơi thở đều đặn, hai mi mắt khép nhẹ nhàng. Bàn tay tôi không có vết chai dày như tay mẹ. Bàn tay tôi không vất vả làm lụng sớm hôm. Những ngón tay không thon dài đẹp đẽ nhưng không thô ráp và ngắn như tay mẹ. Nếu tay tôi cũng xấu và thô, con tôi có để yên cho tôi xoa lưng chúng? Liệu chúng có hất tay tôi ra như thủa nào tôi đã làm với mẹ? Và nếu điều ấy xảy ra, chúng có khi nào hối tiếc, như tôi đang hối tiếc?
Bàn tay mẹ! Tôi chưa bao giờ ôm choàng bàn tay ấy khi hạnh phúc, chưa bao giờ úp mặt vào bàn tay ấy khi khổ đau. Cũng chưa bao giờ cầm chưa bao giờ ngắm. Hai bàn tay, mỗi bên có ba đường chỉ rất rõ ràng, thẳng thớm. Những đường chỉ tay chẳng nói lên được điều gì về cuộc đời, về số phận con người.
Hai bàn tay theo thời gian càng thêm những vết chai thô ráp. Hai bàn tay đã run lắm rồi mà chưa chịu nghỉ. Bàn tay ấy vẫn khao khát được ôm ấp vỗ về tôi như ngày nao tôi còn nhỏ. Bàn tay ấy vẫn âm thầm gạt nước mắt trong bóng đêm, khi con cái đã xa rồi, và bóng tối và cô đơn bao phủ...
Tôi thèm được úp mặt vào bàn tay ấy, để những giọt nước mắt buồn tủi, những giọt nước mắt biết ơn chày tràn qua kẽ tay. Nước mắt sẽ khiến cho vết chai thô ráp mềm lại. Nước mắt sẽ làm cho da thịt mẹ bớt hanh hao.
Sao tôi chỉ nhớ đến bàn tay mẹ khi cô đơn buồn tủi, khi vất vả đói nghèo? Sao trong những phút giây hạnh phúc, tôi chẳng hề thao thức?
Tôi chưa đủ tự tin để úp mặt vào đôi bàn tay ấy...