Có lẽ chưa khi nào, vấn đề đạo đức, lối sống của nghệ sĩ lại nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý từ dư luận đến như vậy. Thậm chí, nó còn trở thành vấn đề gây tranh cãi, nhức nhối toàn xã hội. Từ chuyện nghệ sĩ cặp kè với người đã có gia đình đến chuyện phát ngôn tục tĩu, phản cảm, rồi quảng cáo sai sự thật nhằm thu lời bất chính…

Đáng nói hơn, dù cho công chúng có phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay trên nhiều phương tiện truyền thông, thế nhưng, bất chấp, nhiều nghệ sĩ vẫn nhanh chóng dùng đủ mọi cách thức, chiêu trò để quay trở lại hoạt động sau quãng thời gian “ở ẩn” lấy lệ.

Với những nghệ sĩ sống “lệch chuẩn” như vậy, có lẽ cũng đã đến lúc cần phải nghĩ đến những biện pháp cứng rắn hơn, thay vì chỉ trông chờ vào “đòn trừng phạt lương tâm”. “Cấm sóng”, nghiêm cấm các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, xuất hiện trước công chúng đối với nghệ sĩ vi phạm là điều cần thiết. Đây cần là quy định mới trong việc quản lý hành vi của nghệ sĩ Việt, khi mà ở khía cạnh pháp luật hiện chúng ta đang chưa có những hình phạt, chế tài cho các hành vi vi phạm như thế này. Và khi mà, Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật do Bộ VH,TT&DL ban hành cũng chỉ như một khuyến cáo, còn việc các nghệ sĩ có tuân thủ hay không lại là chuyện tùy ở mỗi người.

Cũng có thể ai đó sẽ tặc lưỡi, ôi dào, những chuyện đó nhan nhản ngoài xã hội, cũng chẳng phải bây giờ mới có, đâu cần phải quá khắt khe như vậy. Nhưng, họ đã quên mất một điều, rằng đó là những người nổi tiếng, là thần tượng của không ít người hâm mộ. Vậy nên, chỉ một hành động, cử chỉ sai lệch dù nhỏ thôi cũng có thể gây ảnh hưởng lớn đến công chúng, chưa nói đến những vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức và cả lối sống.

Đã là nghệ sĩ, là người của công chúng, thì tài năng và đạo đức phải luôn song hành. Xem ra khán giả Việt chúng ta “nuông chiều” nghệ sĩ quá, yêu thương vô điều kiện quá nên nhiều nghệ sĩ mới dễ phạm sai lầm, dùng sự ảnh hưởng của mình để “thao túng” dư luận như vậy. Thực tế trước đây, cũng đã từng có một vài vụ việc tương tự, nhiều người lên án, thậm chí dọa tẩy chay nghệ sĩ, nhưng sau đó, nghệ sĩ đăng đàn giãi bày, nhận lỗi, mong được cảm thông… Vậy là lại được “thương”, được “rộng lòng tha thứ” và mọi chuyện “đâu lại vào đấy”.

Có lẽ chỉ khi nào nghệ sĩ “nếm mùi” trừng phạt thực sự, khi đó, họ mới ý thức hơn về việc giữ gìn tên tuổi, trân trọng người hâm mộ, mới thẩm thấu hết giá trị của danh xưng nghệ sĩ. Chỉ cần nhìn sang showbiz các nước lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc… đủ rõ.

Cũng từ những câu chuyện như thế này để thấy, việc sớm xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn là cần thiết. Khi đó, việc “cấm sóng”, hay các chế tài xử phạt mạnh tay khác trước những vi phạm của nghệ sĩ là điều không có gì phải bàn cãi. Tùy mức độ vi phạm mà có thể xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể áp dụng “cấm sóng” hay cấm các hoạt động nghệ thuật trong thời gian bao lâu, thậm chí là vĩnh viễn.

Tất nhiên, việc “cấm sóng” hay tạo điều kiện cho nghệ sĩ vi phạm có cơ hội quay trở lại cần được cân nhắc kỹ lưỡng, để làm sao đủ tính răn đe cần thiết nhưng cũng phải bao hàm trong đó yếu tố nhân văn. Bài học nào cũng có giá của nó. Với nghệ sĩ, một khi đã đánh mất đi công chúng của mình - thì đó chính là đòn trừng phạt lớn nhất.