Ông Abdulrahman Ibrahim (người Qatar) - trọng tài chính trận tuyển Việt Nam gặp Australia và trước đó là trọng tài Ilgiz Tantashev (Uzbekistan) - người cầm còi trong trận Việt Nam làm khách ở Saudi Arabia, đã trở thành những nạn nhân mới nhất của một hành vi đáng lên án từ một bộ phận cổ động viên (CĐV) Việt Nam quá khích.

Nếu đội thắng hoặc được “hưởng lợi” từ các quyết định của trọng tài thì tất nhiên chẳng có điều gì phải nói. Nhưng tuyển VN thua cả 2 trận, cùng với đó là các quyết định được coi là “bất lợi” từ các trọng tài: một quả penalty và Duy Mạnh bị truất quyền thi đấu trong trận ra quân, tiếp đó là 1 quả phạt đền bị từ chối trong cuộc tiếp đón Australia. Trong những tình huống này, các trọng tài đều tham khảo VAR, nhưng VAR chỉ mang tính chất hỗ trợ, quyết định cuối cùng vẫn là của những người cầm còi, tức là vẫn có sự cảm tính. Đây chính là nguyên nhân khiến họ phải nhận những bình luận khiếm nhã trên các trang mạng xã hội cá nhân.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã có thư chính thức gửi Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đề nghị tăng cường nâng cao chất lượng trọng tài sau những trận đấu vừa qua. Nhưng trước đó, một bộ phận CĐV đã tự cho mình quyền phán xét, rằng cái sai thuộc về các trọng tài, khi đưa ra những quyết định “bất lợi” cho ĐTVN. Đúng – sai về chuyên môn là câu chuyện muôn thuở và nó vẫn xảy ra ở cả những giải đấu cao nhất của bóng đá thế giới như VCK World Cup hay EURO. Nhưng tấn công trên trang mạng xã hội cá nhân của các trọng tài, dường như trở thành “đặc sản” của CĐV Việt Nam.

Sự phổ cập của internet, sự phổ biến điện thoại thông minh và việc quá dễ dàng tạo nick ảo trên mạng đã tiếp tay cho những CĐV quá khích. Cả hai trọng tài Abdulrahman Ibrahim và Ilgiz Tantashev đều phải khóa trang facebook của mình trước giờ bóng lăn bởi ngay khi vừa công bố danh tính trọng tài của trận đấu, đã có những CĐV vào tận trang facebook của họ để lên tiếng "cảnh báo".

Cách hành xử này đã từng rất nhiều lần bị lên án, tuy nhiên, vẫn tiếp diễn và ngày càng có chiều hướng xấu hơn. Thậm chí một bộ phận fan hâm mộ bóng đá Việt Nam còn lập hẳn một nhóm facebook có tên Trọng tài Abdulrahman Ibrahim để chia sẻ đường link trang mạng xã hội của ông.

Trong thể thao nói chung, bóng đá nói riêng, đã thi đấu tức là có thắng – thua. Đội tuyển Việt Nam đã tạo nên dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên vào tới vòng loại cuối cùng của giải World Cup. Nhưng thay vì những hành động lời lẽ động viên thầy trò HLV Park Hang Seo thì một bộ phận CĐV lại làm xấu đi hình ảnh bóng đã Việt Nam. Tấn công trên mạng xã hội trở nên đơn giản khi biên giới bị xóa nhòa nhưng điều đó cũng đồng nghĩa, những gì không đẹp cũng dễ dàng bị đẩy đi quá xa ranh giới.

Không khó để tìm thấy những bình luận khiếm nhã, thậm chí là tục tĩu bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt trên trang mạng xã hội của những trọng tài vừa cầm còi 2 trận đấu của ĐTVN. Nhưng đó chỉ là những “nạn nhân” mới nhất. Người ta đã thấy chuyện này từ vài năm qua, phổ biến nhất là trên facebook của các trọng tài quốc tế và cả trang mạng xã hội của các cầu thủ ngôi sao nước ngoài.

Đó là biểu hiện không những đáng xấu hổ mà còn đáng lên án về văn hoá ứng xử với tâm lý cay cú thắng - thua của không ít người. Các trọng tài quốc tế có thể có thiện cảm được với bóng đá Việt Nam hay không khi phải dè chừng trước khi cầm còi ra sân ? Và rộng hơn, người nước ngoài sẽ nghĩ sao về các CĐV Việt Nam, về con người Việt Nam khi có những phản ứng cực đoan, quá đà như vậy?

Ở phần comment, vẫn có những lời kêu gọi các CĐV hãy bình tĩnh, tránh hành xử cực đoan như tấn công trang mạng xã hội cá nhân, nhưng dường như nó lọt thỏm giữa rừng bình luận khiếm nhã, thậm chí là hung bạo. "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng". Những người làm bóng đá chuyên nghiệp mất nhiều năm để xây dựng hình ảnh cho bóng đá Việt Nam, không chỉ ở chất lượng chuyên môn ngày càng được nâng cao của các ĐTQG mà cả ở bầu không khí cổ vũ nhiệt tình từ người hâm mộ. Nhưng tất cả có thể bị phá hỏng đi, chỉ sau những cú click chuột từ 1 bộ phận CĐV quá khích. Để xây dựng văn hóa cổ vũ, những hành động xấu xí đó lần được lên án và loại bỏ./.