Mùa dịch, việc bước vào phòng khách chính là điều tôi sợ nhất vào mỗi sáng. Có thể mọi người sẽ không hiểu nỗi sợ của tôi. Đó là cảm giác liên tục nhiều tháng liền phải thấy hình ảnh cậu con trai út ngồi thu lu trên ghế sofa, im lặng nhìn vào màn hình với âm thanh lúc đều đều giảng bài, lúc ồn ào quát mắng, khi khác lại chèn ngang bởi những tạp âm như chó nhà ai đó sủa hay tiếng mèo kêu.

Khi những đợt gió lạnh của mùa đông tràn vào thành phố, vẫn góc sofa cũ, vẫn con trai tôi, chỉ thêm một chiếc chăn tối màu trùm kín từ đầu, hở đôi mắt để tiếp tục nhìn chằm chằm vào cái màn hình mà suốt nhiều tháng lặp đi lặp lại những âm thanh cũ.

Vắt qua hai học kỳ của hai năm học, con trai tôi cùng hàng trăm ngàn đứa trẻ trong thành phố đã trải qua những buổi học dài tại nhà cùng màn hình máy tính.

Tôi cũng phát hiện trong chừng ấy thời gian có quá nhiều thứ đảo lộn. Như việc cậu con trai ăn nhiều hơn, tủ lạnh rất nhanh chóng trống rỗng. Những bộ quần áo hôm nào còn thùng thình giờ cứ chật dần. Một lời nhắc nhở về sự điều độ sẽ được đáp lại bằng một giọng chán chường: “Còn niềm vui nào ngoài ăn hả mẹ?”.

“Cô giao cho con làm bài tập nhóm với mấy đứa mà con chẳng nhớ là ai”, chuyện này, chắc không chỉ xảy ra với riêng con tôi. Những đứa trẻ bậc THCS chưa kịp quen và nhớ tất cả các bạn học đã phải ngồi ở nhà, lặng nhìn bạn bè qua những ô vuông bé xíu trên màn hình. Có khi nhòe nhoẹt vì chất lượng đường truyền hoặc sự xộc xệch bởi trang phục ở nhà hay cơn ngái ngủ chưa qua, có khi chỉ một màu đen ngòm nếu đầu kia tắt webcam. Bọn trẻ đã dần quên nhau. Trước mặt chúng giờ chỉ còn màn hình.

Rồi khi thành phố rộn ràng thông tin mở cửa trường học. Đón nhận cái tin tưởng sẽ nhảy lên vì vui sướng này, cậu con trai chỉ đáp lại bằng cái giọng nhạt nhẽo thường ngày: “Sao lại thế? Con không muốn đi học. Học ở nhà cũng được mà mẹ. Sắp thi học kỳ rồi, đến trường thi khó lắm!”.

Không chỉ con tôi. Rất nhiều phụ huynh có con ở tuổi đi học đều xác nhận một thực tế: Đám trẻ từ chối trở lại trường. Chúng không muốn kết nối, không muốn đối diện với những thách thức có thực ở trường học. Chúng thích trong vùng an toàn người lớn dựng lên.

“Dịch đang bùng phát, học thì học, chả học thì đừng”, đó là câu nói cửa miệng của rất nhiều người lớn. Đã có những tập đơn xin nghỉ học trực tiếp, có những lớp học chỉ có duy nhất một học sinh. Đến mức các thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục phải thừa nhận: “Phụ huynh đúng là khó chiều”. Và ý kiến phụ huynh đã trở thành bình phong cho nỗi sợ trách nhiệm. Nhiều địa phương chần chừ trước quyết định mở cửa trường học trở lại.

Nhưng nỗi sợ trở lại trường không chỉ đơn thuần vì dịch bệnh. “Sắp thi học kỳ rồi, học trực tuyến mà kiểm tra trực tiếp thì tụi nó làm làm sao được?” hay “Ôi, rét mướt thế này, sáng ra phải dậy sớm, lọ mọ đi học có phải khổ thân không?” Chưa hết: “Học ở nhà tiện, chả phải đưa đón gì. Nhẹ được bao nhiêu, thời gian cho việc khác”… Hàng chục, hàng trăm lý do được viện ra để bao biện cho một thói quen mới của cả cha mẹ và các con.

Tại sao người lớn đã hòa nhập với công việc, với việc di chuyển hằng ngày trong điều kiện thực hiện những yêu cầu về phòng dịch lại ngăn con em mình bước vào cuộc sống bình thường mới?

Theo các chuyên gia, sự nguy hiểm của Covid-19 với trẻ em cũng không nhiều hơn các bệnh truyền nhiễm khác. Nhưng mối nguy từ việc ngồi nhà lớn hơn gấp bội. UNICEF cho rằng tác động của đại dịch COVID-19 đối với tình trạng sức khỏe tâm thần kém ở trẻ em và thanh thiếu niên là “bề nổi của tảng băng chìm” và đã không được ai chú ý trong thời gian quá dài. Theo số liệu mới đây của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần, tỷ lệ học sinh sinh viên đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện tăng vọt, chiếm đến 30% trên tổng số bệnh nhân.

Một đứa trẻ sẽ không sống ở nhà cả đời và cha mẹ cũng không thể bao bọc con mình mãi. Đã đến lúc thôi sợ hãi bởi sự sợ hãi, lo lắng đã vượt qua nguyên nhân dịch bệnh. Và bởi, nếu tiếp tục kéo dài việc đóng cửa trường, chúng ta tước đi cơ hội phát triển của những đứa trẻ. Hành trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ sẽ không chỉ có thử thách là Covid-19 và nó không phải là nỗi sợ duy nhất cần phải đương đầu!