Nhân tài là tài sản vô giá của quốc gia, dân tộc. Hơn ai hết, có lẽ các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ điều này hơn cả. Cũng bởi thế nên câu chuyện trọng dụng nhân tài đã được Quốc hội - cơ quan lập pháp đem ra bàn luận từ lâu. Theo đó, đã có nhiều chính sách thu hút nhân tài được ban hành. Có thể kể đến là Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đều đề cập nội dung này với cách thể hiện là “người có tài năng” trong hoạt động công vụ và trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ: “Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng; Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ” (Điều 6 Luật Cán bộ, công chức) và “Thực hiện … các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với viên chức là người có tài năng” (khoản 4 Điều 6 Luật Viên chức), “Nhà nước có chính sách… phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân” (khoản 4 Điều 10 Luật Viên chức).

Tuy nhiên, sau nhiều năm “chiêu mộ”, đến nay số người tài được trọng dụng vẫn còn rất khiêm tốn.

Thống kê cho thấy, trong 10 năm qua (2013-2023), Hà Nội chỉ tuyển dụng được 55 thủ khoa các trường đại học. Thành phố Hồ Chí Minh - nơi có nhiều chính sách tuyển dụng người tài, cũng chỉ thu hút được 5 cá nhân trong giai đoạn 2018-2022.

Nhân tài được đánh giá là nhân tố cốt lõi tạo nên sự đột phá. Lần này, sửa Luật Thủ đô, Quốc hội kỳ vọng sẽ thúc đẩy Hà Nội bứt phá về mọi mặt. Tuy nhiên, trong bản dự thảo, các đại biểu vẫn chỉ thấy những quy định chung chung, chưa có điểm khác biệt nào về trọng dụng nhân tài. “Luật Thủ đô 2012 chỉ có một câu tại khoản 2 Điều 13 nêu về chính sách trọng dụng nhân tài mà không có nội hàm nào đi kèm. Dự thảo Luật sửa đổi lần này đã có hẳn một điều là Điều 17 quy định về nội dung trọng dụng nhân tài, cho thấy một sự tiến bộ rất rõ và khẳng định tầm quan trọng của vấn đề này. Tuy nhiên, theo tôi quy định còn chưa rõ, chưa đầy đủ và cần phải hoàn thiện để việc triển khai được khả thi và hiệu quả hơn”, Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn Đại biểu thành phố Cần Thơ bày tỏ tại Quốc Hội.

Nỗi niềm của đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng hoàn toàn có lý. Bởi lẽ, thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, sẽ không thể bứt phá nếu chính sách trọng dụng nhân tài chưa thể đột phá.

Thực tế cho thấy người tài sẽ không tự tìm đến với những nơi cần họ nên không thể chỉ đưa ra vài ưu đãi và chờ họ đến. Đành rằng lương và các phúc lợi là rất quan trọng nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất khiến người tài tìm đến và gắn bó. Chính phủ nhiều quốc gia, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các cơ sở nghiên cứu, vườn ươm công nghệ đã chủ động tìm kiếm, phát hiện nhân tài từ rất sớm khi họ còn đang là học sinh, sinh viên và họ sẵn sàng hỗ trợ kinh phí học tập, trả lương, ký cam kết tuyển dụng từ trước khi ra trường. Vì vậy, nếu chỉ thu hút, trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách để tìm kiếm và phát hiện nhân tài.

Cũng cần hiểu rằng người tài không có nghĩa là người thông minh nhất, có nhiều bằng cấp nhất hoặc học vị cao nhất, mà là người phù hợp nhất với công việc, đạt được kết quả cao nhất với việc được giao. Phải quan niệm như vậy thì mới “định nghĩa” đúng về người tài và có chính sách phù hợp để phát hiện, chiêu mộ và giữ chân người tài. Singapore từng có cú bứt phá ngoạn mục về kinh tế, xã hội mà khi đề cập điều này, người ta thường nhớ đến cố Thủ tướng Lý Quang Diệu và câu nói để đời của ông: “Tôi ưa chuộng hiệu quả với một công chức trẻ ở vị trí cao. Tôi không quan tâm là anh ta đã làm việc bao nhiêu năm, nếu anh ta là người tốt nhất cho vị trí đó thì hãy xếp anh ta ở vị trí đó”.

Từ minh chứng này, có lẽ đã đến lúc cần có một chương riêng về trọng dụng nhân tài. Theo đó, cần xây dựng chính sách thông tin truyền thông về phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Bổ sung cơ chế, chính sách về phát hiện sớm nhân tài, từ đó có lộ trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng vào những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm cần thiết cả trong khu vực công và các khu vực quan trọng khác...

Bên cạnh những quy định mang tính định hướng, cũng rất cần có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho những tài năng cần thu hút, trọng dụng như: chính sách hỗ trợ về nhà ở như mua, thuê, điều kiện làm việc tại nhà, các chế độ hỗ trợ khác cho gia đình, vợ, con người có tài để giúp họ yên tâm cống hiến, làm việc... Ngoài ra, việc cho phép chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã khẳng định được tài năng, kinh nghiệm tại các nước phát triển, các cơ sở nghiên cứu uy tín cao, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới có thể được phép tham gia, nắm giữ các vị trí lãnh đạo điều hành tại các dự án, đề án nghiên cứu thuộc các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm đổi mới sáng tạo, đơn vị sự nghiệp công cũng là điều cần được tính đến.

Thực tế cho thấy, những đề xuất của nhiều đại biểu tại kỳ họp Quốc hội lần này là hoàn toàn có cơ sở. Tại các quốc gia lân cận như Malaysia hay Thái Lan, họ đang làm rất tốt việc này khi cho phép những người đã khẳng định được tài năng, nắm giữ một số vị trí quan trọng tại các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công. Hay một ví dụ khác, tại Trung Quốc, chỉ với một chính sách rất riêng về nhà ở cho người tài, trong vòng 5 năm qua, nước này đã thu hút được khoảng 900 nhân tài từ khắp nơi trên thế giới về làm việc trong khu vực công.

Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ chưa phải là điều kiện tiên quyết mà môi trường làm việc cũng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng khi muốn chiêu mộ và giữ chân người tài. Nếu môi trường làm việc khuyến khích sự năng động, sáng tạo, tạo điều kiện cho người tài năng cống hiến và thăng tiến thì người tài sẽ bộc lộ được năng lực, sở trường để từ đó khẳng định được bản thân, phát huy tài năng. Và có lẽ để xây dựng được môi trường làm việc đó thì bên cạnh các chế độ đãi ngộ Nhà nước cũng cần bổ sung cơ chế, chính sách về xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, tạo mọi điều kiện để người tài phát triển, cống hiến.

Khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới thì sự cạnh tranh chắc chắn sẽ càng trở nên khốc liệt hơn, đặc biệt là cạnh tranh về “chất xám”. Để không chỉ thu hút được nhân tài, phục vụ cho việc xây dựng và phát triển đất nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng mà còn ngăn chặn được tình trạng “chảy máu chất xám” thì ngay từ bây giờ, khi sửa đổi Luật Thủ đô cần có những chính sách đột phá về trọng dụng nhân tài. Thậm chí, chúng ta có thể nghĩ đến việc xây dựng riêng một Luật về trọng dụng nhân tài.