Những mất mát, đau thương trước sự ra đi của 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tại vụ cháy quán karaoke 5 tầng trên đường Quan Hoa (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn còn chưa hết ám ảnh…thì mới đây, vụ cháy khác ở quán karaoke tại Bình Dương lại tái diễn nhưng với một hậu quả quá thảm khốc hơn khiến dư luận phải kinh hoàng. 33 nạn nhân tử vong và 17 người bị thương – con số này có thể cho thấy đây là vụ thiệt hại về người lớn nhất từ trước đến nay trong các vụ cháy quán karaoke.

Những ngày qua, trước cổng nhà xác của Bệnh viện Đa khoa Thuận An, Bình Dương, nơi thi thể các nạn nhân của vụ cháy được chuyển đến, có hàng trăm người túc trực. Họ, với gương mặt thất thần, đứng thấp thỏm, thắt lòng chờ lực lượng chức năng bàn giao thi thể người thân, chẳng có cảnh tượng nào đau xót hơn thế….

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân, đồng thời yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo điều tra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh Bình Dương tập trung điều tra, xác định nguyên nhân vụ cháy. Đồng thời, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan, từ đó, xử lý nghiêm vi phạm nếu có.

Có lẽ không chỉ ở vụ việc này, từ trước tới nay, sau mỗi vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan chức năng đều vào cuộc điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời rút ra những khuyến cáo, bài học kinh nghiệm sâu sắc, thậm chí tiến hành sửa đổi các quy định liên quan… Tất cả đều nhằm mục đích ngăn ngừa tình trạng này tái diễn trong tương lai. Nhưng buồn thay…. đến nay, nó vẫn cứ lặp lại. Vì đâu?

Với quán karaoke An Phú ở Bình Dương, theo thông tin của cơ quan chức năng, quán có đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý, trong đó có cả giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy do Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Bình Dương cấp tháng 2/2017. Ngoài ra, lực lượng chức năng kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy cũng đã có biên bản kiểm tra về an toàn phòng cháy chữa cháy của cơ sở này các năm 2019, 2020, 2022.

Một cơ sở được chứng nhận đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đến thế, vậy mà khi xảy ra hỏa hoạn, các nạn nhân lại không thể nhanh chóng thoát hiểm?

Đương nhiên, nguyên nhân vụ việc sẽ được cơ quan chức năng điều tra, kết luận. Nhưng dư luận thì không khỏi hoài nghi, phải chăng việc kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại những cơ sở như thế này chỉ mang tính hình thức, kiểm tra cho có? Hay do các cơ sở kinh doanh loại hình này có cách để dễ dàng “qua mặt” được các cơ quan chức năng? Và liệu công tác cấp phép, kiểm tra bảo đảm an toàn đối với các cơ sở kinh doanh karaoke đã được chính quyền sở tại đã làm hết mình hay chưa, có quản lý theo kiểu “đánh trống, bỏ dùi”?

Sẽ còn bao nhiêu quán karaoke tương tự như quán An Phú ở tỉnh Bình Dương? Các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…liệu có bao nhiêu quán karaoke không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động, không có bất kỳ biện pháp phòng cháy chữa cháy nào?

Hiểm họa cháy nổ tại các quán karaoke và những nỗi đau “An Phú” sẽ còn tái diễn nếu như chúng ta cứ “mất bò mới lo làm chuồng”, cứ khi xảy ra hiểm họa là “đồng loạt ra quân”. Tới đây, ngoài việc tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường một cách thường xuyên thì cần cương quyết dẹp bỏ những cơ sở không đủ điều kiện hoạt động, bổ sung thêm những biện pháp cứng rắn để đảm bảo an toàn PCCC.

Cũng cần nói thẳng rằng, cần phải có biện pháp mạnh để chấn chỉnh sai phạm của những người có chức năng quản lý hoạt động này nhưng chưa làm tròn trách nhiệm. Thêm vào đó, các cấp thẩm quyền, cơ quan quản lý cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, không nên “đánh trống bỏ dùi”, quyết liệt một thời gian rồi lại lơ là, quên lãng.

Thêm những quy định nghiêm khắc, ngặt nghèo để chúng ta không phải trả những cái giá quá đắt…Một mạng người đã là tổn thất đau thương, đằng này, hàng chục mạng người tại một quán karaoke đã phải chết trong hoảng loạn đau đớn, chua xót thay!