Những ngày qua dư luận xôn xao khi một đám đông tụ tập tại phòng gym ở địa chỉ đường số 6, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM, trong đó có diễn viên Huỳnh Phương và một số người khác, chủ yếu là bạn của cố nghệ sỹ Chí Tài. Những người này tìm đến đây để gặp D.N (huấn luyện viên thể dục thể hình), yêu cầu phải công khai xin lỗi vợ chồng nghệ sĩ Chí Tài trên livestream vì đã có những phát ngôn thiếu tôn trọng người quá cố. Đám đông gây ồn ào đến nỗi công an địa phương phải đến để giải tán.

​Trước đó, D.N đã livestream với nội dung rằng: “Cho tôi lý do đưa Chí Tài sang Mỹ. Lúc sống thì không ở chung, vậy tại sao lúc mất lại đưa thi hài sang Mỹ?”. D.N cũng đã nhận định khá chủ quan, gây hiểu lầm về nghệ sĩ Chí Tài cũng như gia đình ông: “Họ là diễn viên hài, mang tiếng cười lên sân khấu nhưng cuộc đời bi đát lắm”. Đó là nguồn cơn dẫn đến việc kêu gọi tẩy chay, "đánh sập" trang fanpage của phòng gym được cho là do D.N đang điều hành. Về tình, có thể hiểu sự tức giận của đám đông là có cơ sở. Nhưng về lý, rõ ràng khó mà chấp nhận cách ứng xử đó.

Trong cuốn sách được xem là kinh điển của ngành tâm lý học, cuốn "Tâm lí học đám đông" của Gustave Le Bon, ông có viết: "Những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Vả lại, do thể trạng của mình, những đám đông ấy cần có một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa".

Soi chiếu vào những cơn "lên đồng" của các đám đông từ mạng xã hội đến ngoài đời, có thể thấy cách hành xử của một số nghệ sĩ như vừa qua là khó chấp nhận. Bởi là công dân một nước pháp quyền, bất cứ hành vi gì cũng chịu ràng buộc của pháp luật. Không thể vì giải tỏa cơn bức xúc của mình mà gây thiệt hại cho người khác.

Nhà làm phim người Hàn Quốc Kim Ki-duk, vừa qua đời cách đây mấy hôm vì biến chứng của dịch Covid-19 có bộ phim nổi tiếng: “Xuân, Hạ, Thu, Đông... rồi lại Xuân", trong đó áp dụng nguyên lý triết học của Hàn Phi Tử: "NHÂN CHI SƠ, TÍNH BẢN ÁC".

Nguyên lý đó cho rằng, bản thân con người sinh ra là ÁC, phải qua hàm dưỡng, rèn luyện, răn mình mới trở nên thiện lương. Bất cứ khi nào chúng ta để bản năng và vô thức chi phối để trở lại BẢN NGÃ ÁC của mình thì đều là vô cùng nguy hiểm.

Trước một sự việc, cách ứng xử phù hợp luôn là bình tĩnh xét đoán, nhận định vấn đề. Tất nhiên điều đó trong một số trường hợp là vô cùng khó, nhất là khi cùng lúc chịu nhiều sức ép.

Nhưng, nếu không HÀM DƯỠNG, RÈN LUYỆN BẢN THÂN thì chúng ta sinh ra ở đời để làm gì?