Vụ chó Pitbull tấn công khiến 1 khách hàng ở quán cà phê xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An tử vong và chủ của nó cũng bị trọng thương ngày 20/5 vừa qua khiến nhiều người phẫn nộ. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên chó nuôi cắn chết hay gây thương vong nghiêm trọng cho người. Còn nhớ, đầu năm nay, cũng chính giống chó này đã tấn công một phụ nữ ở Phú Thọ, để lại các vết thương vô cùng nghiêm trọng. Trước đó, cuối năm 2018, một người đàn ông ở ngõ 358 phố Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã tử vong do bị chính con chó Pitbull mà em gái ông này nuôi cắn vào cổ. Một vụ đau lòng nữa là một bé gái mới 8 tháng tuổi đã thiệt mạng do một con chó Ngao Tây Tạng bất ngờ tấn công…

Nếu các con vật này được đảm bảo an toàn (như rọ mõm) theo đúng các quy định về chăn nuôi thì liệu những chuyện kinh khủng như thế này có xẩy ra? Đáng buồn, đáng lên án là những con vật này lại được chủ của nó vô tư thả rông nơi công cộng.

Đã có hàng chục quốc gia trên thế giới đã cấm nuôi giống chó Pitbull hoặc ban hành các hạn chế nhất định với việc nuôi chúng. Vậy mà ở nước ta, nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để đem giống chó hung dữ này về nuôi và vô tư thả rông nơi công cộng, bất chấp những nguy hiểm chúng có thể gây ra. Hình ảnh chó không rọ mõm, không dây xích nhởn nhơ trong công viên hay đường phố vẫn còn nhan nhản. Hay hình ảnh chó ngồi trên xe máy hoặc chủ một tay lái xe máy, một tay dắt theo chó không rọ mõm cũng không hiếm gặp trên đường. Điều này khiến nhiều người dân nơm nớp lo sợ khi ra đường và những con chó dữ trở thành nỗi ám ảnh của nhiều trẻ nhỏ.

“Con chó này hiền lắm”, “Nó được tiêm phòng thường xuyên” hay “Đeo rọ mõm tội chó lắm”… là những lý do mà chủ nuôi chó thường đưa ra để trả lời cho câu hỏi “Tại sao không đeo rọ mõm cho chó?”. Thế nhưng chó hiền cũng có lúc nổi điên, chó đã tiêm phòng đâu có nghĩa là không cắn người! Có người còn cho rằng chó dữ hay không là do người chủ nuôi dạy, nhưng thử hỏi bao nhiêu người có khả năng dạy dỗ, huấn luyện chó?

Theo quy định của Luật Chăn nuôi thì người nuôi chó phải đăng ký việc nuôi với trưởng thôn hoặc UBND cấp xã, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình; thực hiện việc tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo; phải đeo rọ mõm cho chó, xích giữ chó khi ra nơi công cộng. Luật pháp cũng quy định rõ, chủ nuôi phải bồi thường trong trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản của người khác. Trường hợp thả rông để chó cắn chết người, chủ vật nuôi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thế nhưng thực tế, ở nước ta, việc xử phạt của cơ quan chức năng đối với những chủ nuôi vi phạm quy định nuôi thú cưng vẫn còn rất ít. Số người nuôi chó nắm rõ và chấp hành nghiêm chỉnh tất cả quy định của luật pháp cũng không mấy. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có khoảng hơn 5,4 triệu con chó nhưng chỉ có 2,1 triệu con (39%) được tiêm phòng. Hàng năm, khoảng nửa triệu người bị chó cắn, 80 - 100 người tử vong do lây bệnh dại từ chó, mèo. Tất cả đều xuất phát từ việc thiếu ý thức, thiếu hiểu biết pháp luật của người nuôi.

Ăn thịt chó, nhiều người đã nhận thức là không văn minh nhưng nuôi chó thế nào là văn minh thì chả mấy ai để ý tới. Chó có khôn đến đâu thì vẫn là động vật. Chính suy nghĩ và hành động thiếu ý thức của chủ nuôi mới là nguyên nhân gây ra những vụ việc đau lòng. Vậy nên những người này cần chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hậu quả do sự chủ quan, phớt lờ các quy định của pháp luật khi nuôi thú cưng.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần siết chặt quản lý việc nuôi chó của người dân. Khi xảy ra vụ việc chó tấn công gây thương tích hoặc chết người thì phải truy đến cùng trách nhiệm dân sự, kể cả trách nhiệm hình sự đối với chủ sở hữu vật nuôi. Có như vậy chủ nuôi mới ý thức được trách nhiệm của mình và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

Đừng để thú cưng của nhà mình trở thành thú dữ của xã hội./.