Bài báo đầu tiên tôi viết về một cô bé học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. Bài báo mà đến giờ, mỗi lần click chuột vào kho tư liệu máy tính cá nhân vẫn có chút đỏ mặt ngại ngùng với chính mình bởi sự đơn giản của ngôn từ, của bài viết, góc nhìn.

Nhân vật trong bài báo thứ hai là anh thanh niên ở một tỉnh miền núi với khát vọng hồi sinh những cánh rừng. Đề tài không đến nỗi tệ nhưng vẫn là cách kể chuyện đơn giản, một góc nhìn nhạt nhòa.

Bài báo thứ ba, tôi viết về chính những con người ở làng quê nơi mình sinh ra, họ đang “chết mòn” bởi sự ô nhiễm môi trường và được mệnh danh là “làng ung thư”. Bài báo đã có chút vấn đề, sức nặng hơn khi chạm tới số phận của người nông dân trước những thách thức của quá trình phát triển mà không bảo vệ môi trường. Họ bị trả giá bằng chính sinh mệnh của mình.

Những bài học nghề nghiệp được vỡ dần. Tôi hiểu, đằng sau sự kiện, mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện được kể là số phận của con người. Và cách tốt nhất là kể lại câu chuyện của con người một cách chân thực nhất.

Buổi sáng chào cờ của những học sinh nghèo trên đỉnh cao nguyên đá Mèo Vạc (Hà Giang), chiều hoàng hôn với những khúc ca đầy lạc quan của các chiến sĩ trên nhà giàn DK1. Rồi nữa, câu chuyện của người dành cả cuộc đời để chăm sóc những phần mộ ở nghĩa trang Hàng Dương (Phú Quốc), giọt nước mắt của những giáo viên hợp đồng trước nguy cơ mất việc, tiếng khóc đau đớn của người dân vùng lũ khi cơn bão đi qua, sự câm lặng của những hài nhi bị vứt bỏ, nỗi đau không cất thành tiếng của một bạn trẻ làm nghề shipper mang trong mình căn bệnh trầm cảm…Họ đều là những con người nhỏ bé mà tôi bắt gặp suốt hành trình dọc ngang của nghề báo.

Đằng sau mỗi con người bé nhỏ ấy là những câu chuyện cuộc đời, những mâu thuẫn, ẩn ức sâu trong tâm hồn rất cần được đồng cảm, sẻ chia. Và chính họ -không ai khác cho tôi sự “giàu có” về cảm xúc!

Đó là cảm xúc yêu thương, chia sẻ trước những số phận éo le; là những băn khoăn, trăn trở trước những lo toan của nhân vật; là sự bức xúc, bất bình trước những hiện tượng tiêu cực… Và đó còn là cảm xúc tích cực ngay cả đối diện với khó khăn.

Những cung bậc cảm xúc ấy được nuôi dưỡng, trưởng thành qua từng sự kiện, qua mỗi số phận con người mà tôi may mắn được gặp.

Thật bất ngờ khi bảng thống kê chỉ tiêu nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học chính quy năm nay, ngành Báo chí có tỷ lệ chọi cao thứ nhì (đứng sau khối ngành An ninh, Quốc phòng) khi chỉ tiêu chỉ 6.500 nhưng có đến hơn 100 nghìn nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Tôi tin, nhiều bạn chọn ngành Báo bởi sự đam mê, bởi sự hấp dẫn của chính nghề nghiệp. Nhưng chắc rằng có không ít bạn trẻ chọn nghề khi bị lóa mắt bởi ánh hào quang danh vọng, là giấc mơ lên hình, là ảo tưởng tiền bạc, là sự giàu sang vật chất, thậm chí là sự ngộ nhận quá lớn về “quyền lực thứ tư”…

Nghề báo, thật ra đâu có nghèo, trái lại, còn “rất giàu”. Nhưng đó không phải là sự giàu sang tiền bạc, vật chất mà là sự giàu có về cảm xúc, là những mảnh đất đi qua, những số phận con người đã gặp. Tất cả mang đến sự “giàu có” về tâm hồn mà không phải ngành nghề nào cũng có được.

Còn nếu nghĩ nghề báo là nghề giàu có về vật chất, ảo tưởng danh vọng rất có thể bạn sẽ vỡ mộng ngay khi chuẩn bị bước vào nghề!