Trong 2 ngày 8-9/11/2024, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp cùng Hội Toán học Việt Nam tổ chức Diễn đàn quốc tế về Đổi mới Chương trình giảng dạy các môn Toán ở bậc đại học trong kỷ nguyên Dữ liệu lớn và Trí tuệ nhân tạo - SEAMS Forum: Undergraduate Mathematics Curriculum Reform in the Era of Big Data and Artificial Intelligence. Đây là một sự kiện quan trọng trong việc định hướng phát triển và cải tiến chương trình giảng dạy Toán học trong thời đại công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.

Diễn đàn quy tụ các nhà nghiên cứu và giảng viên đầu ngành trong lĩnh vực Toán học, cùng những cá nhân quan tâm đến việc cải tiến giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á. Sự kiện thu hút hơn gần 100 người tham dự trực tiếp và trực tuyến, trong đó có 10 đại biểu nước ngoài đến từ Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Campuchia. Diễn đàn tạo cơ hội cho các học giả và chuyên gia đến từ nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng trong việc ứng dụng dữ liệu lớn và AI vào giảng dạy Toán học.

Ban Chương trình của diễn đàn gồm 03 thành viên: GS.TSKH. Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam; PGS.TS. Lê Minh Hà - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và GS. Intan Muchtadi - Chủ tịch Hội Toán học Đông Nam Á.

Sự kiện bao gồm 8 báo cáo từ Chủ tịch Hội Toán học các nước và các chuyên gia trong lĩnh vực: GS. Intan Muchtadi (Viện Công nghệ Bandung, Indonesia - Chủ tịch Hội Toán học Đông Nam Á), GS. Jose Ernie C. Lope (Đại học Philippines Diliman, Philippines), GS. Maslina Darus, (Đại học Kebangsaan, Malaysia - Chủ tịch Hội Toán học Malaysia), GS. Jose Maria L. Escaner IV (Đại học Philippines Diliman, Philippines), GS. Mohd Aftar Abu Bakar (Đại học Kebangsaan, Malaysia), TS. Trần Vĩnh Linh (Trường Đại học Fulbright Việt Nam), GS. Laurent El Ghaoui (Trường Đại học VinUni, Việt Nam) và GS. Mitsuru Kawazoe (Đại học Osaka, Nhật Bản).

Thời đại công nghệ số, big data, trí tuệ nhân tạo bắt buộc chúng ta phải thay đổi chương trình dạy và học Toán. PGSTS Nguyễn Chí Thành - Trưởng Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội cho rằng: Đối với chương trình giáo dục phổ thông và chương trình đào tạo giáo viên ở Đại học quan trọng nhất là làm cho người học là học sinh và sinh viên hiểu rõ về Al và chức năng của Al. Những học phần quan đến big data, ứng dụng dữ liệu lớn trong nghiên cứu khoa học cần phải đưa vào trong chương trình.

Với học sinh phổ thông chúng ta cần đưa vào ở mức độ thấp hơn, ví dụ học máy, giúp học sinh phổ thông hiểu Al, tư duy thế để đưa ra câu trả lời. Thứ hai, 3 bước ở giáo dục phổ thông: đặt mục tiêu học tập, thiết kế các nhiệm vụ và kiểm tra đánh giá, thì Al đều có thể can thiệp. Ví dụ, thiết kế các nội dung đánh giá hoàn toàn có thể sử dụng Al thiết kế câu hỏi, từ đó giáo viên có điều chỉnh phù hợp cho học sinh của mình...

Còn với đào tạo giáo viên ở bậc đại học những học phần giúp sinh viên có thể sử dụng các Al rất nhiều: Al trong sử dụng video, thiết kế các bài kiểm tra đánh giá, cần đưa ví dụ trong các học phần, cuối cùng al có thể đưa ra những vấn đề bảo mật, an toàn thông tin, tài liệu tham khảo, bản quyền... Các trường và bản thân giáo viên cần đưa ra những chính sách rõ ràng, cụ thể cách thức sử dụng Al trong công việc của mình.

Diễn đàn là cơ hội để các chuyên gia bàn luận về hướng đi mới trong chương trình giảng dạy Toán học, vai trò của toán học trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, những điều chỉnh cần thiết, bài học kinh nghiệm từ các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến ứng dụng công nghệ hiện đại vào giảng dạy, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và nền kinh tế trong kỷ nguyên số.

Một số hình ảnh tại Diễn đàn: