“Nó sống hay giả tạo, hay thái độ với em” đó là lời khai của sát thủ Phạm Thị Hà tại cơ quan công an, về động cơ gây án của thị đối với người họ hàng sống ở nhà bên. Có lẽ không ai có thể hình dung đó lại là lý do khiến một người có thể bị giết bằng 19 nhát dao.

Nhưng, nếu chúng ta giở lại những trang báo về an ninh trật tự xuất bản trong vài năm qua, không khó để bắt gặp những vụ án tương tự, những sát thủ không tiền án, không tiền sự đột nhiên ra tay lấy đi mạng sống của người khác.

Một cô gái trẻ mang hung khí đến đâm chết hai cha con người bạn thân chỉ vì bị người bạn ấy xa lánh bởi thói ăn cắp vặt. Một thanh niên đâm chết 2 người bạn cùng phòng vì không đạt được thỏa thuận về việc ai sẽ tắt đèn trước khi đi ngủ. Một gã đàn ông đóng đinh vào đầu con riêng của vợ chỉ vì nhàn rỗi.

Đó không hoàn toàn là những câu chuyện hình sự, mà là một vấn đề xã hội khi con người ta quá dễ dàng xuống tay lấy đi tính mạng của đồng loại.

Tội ác không mang khuôn mặt của những kẻ sát nhân hung dữ. Những kẻ sát nhân giờ đây có thể mang khuôn mặt của những cô gái trẻ, những bà mẹ, những đứa con trong gia đình, những người tình, và những người bạn thân. Tội ác đã không còn mang những khuôn mặt dễ định vị như trong tác phẩm của Dostoievsky.

Còn sự trừng phạt thì sao? Sự trừng phạt mà con người ta sợ hãi bây giờ cũng không phải là việc phải đối diện với lương tâm như thời của Dostoievsky. Bây giờ người ta sợ hãi việc không có tiền, sợ hãi việc bị chà đạp bởi những đồng loại giàu có và quyền lực, sợ thiếu thốn cơ hội, sợ thái độ coi thường…

Trước khi xuống tay lấy đi một mạng người, những kẻ sát nhân ngày xưa nay thường không quyết định từ bỏ ý định vì nghĩ đến cái án tử hình. Thường thì người ta chỉ từ bỏ ý định giết người vì nghĩ đến sự sống chứ không phải cái chết. Sẽ không ai giết người nếu như trong đầu họ còn nghĩ đến việc sẽ phải sống phần đời còn lại như thế nào sau khi tước đi mạng sống của người khác mà không cần lý do.

Chỉ cần có ý nghĩ đó, người ta còn lương tâm, và sẽ không thể giết người. Bởi thế, vấn đề của xã hội là có quá nhiều kẻ sát nhân máu lạnh không phải do thiếu án tử hình, mà là thiếu động lực để nghĩ đến lương tâm.

Lương tâm đã đi vắng khi cả đám đông văn sĩ im lặng khi một nữ đồng nghiệp công bố về một vụ tấn công tình dục trong ngôi nhà của những nhà thơ. Lương tâm cũng đi vắng tương tự khi cả đám đông xông vào hôi của từ một vụ tai nạn. Và người ta cũng sẽ coi lương tâm là một điều xa xỉ khi một tỷ phú dùng chiêu trò thao túng thị trường chứng khoán dù biết hàng vạn gia đình có thể vì thế mà trở nên tuyệt vọng. Dường như nỗi sợ bị lương tâm cắn rứt không còn được nhắc đến lâu rồi, và người ta cũng đã không còn nhớ về sự hình thành và nuôi dưỡng lương tâm.

Vậy thì lương tâm được hình thành và nuôi dưỡng như thế nào? Chắc chắn không phải nhờ bằng cấp, nhờ các loại chứng chỉ, cũng không phải quá trình chuyển hóa protein. Lương tâm xã hội là quá trình tiếp xúc với những vẻ đẹp nhân văn của đời sống tinh thần, là những giá trị văn hóa được hình thành như trầm tích thời gian trong lịch sử dân tộc. Nhưng cả 2 yếu tố này dường như đều chơi vơi trong đời sống hôm nay.

20 năm qua hàng nghìn ngôi nhà cao tầng đã được xây dựng lên ở Hà Nội, nhưng rất hiếm công viên văn hóa được xây mới. Phương tiện giải trí duy nhất của hàng triệu thanh niên trong các khu công nghiệp chỉ là tiktok hoặc facebook, những nền tảng mà nội dung hoàn toàn bị chi phối bằng những câu chuyện thuần túy để câu view và bán hàng.

Đời sống tâm linh của người dân bị tổn thương với các lễ hội bị biến tướng, những cơ sở tôn giáo lai căng, sặc mùi tiền và mê tín dị đoan. Đời sống tâm linh bị tổn thương, đời sống văn hóa thì nghèo nàn, đó là điều dẫn đến việc lương tâm của con người trở nên yếu ớt và dễ dàng bị lấn át bởi lòng tham, sự vị kỷ, bởi động năng bạo lực và hỗn loạn trong tâm hồn.

Cổ nhân nói: Trong nhà tích điều thiện sẽ có nhiều niềm vui, tích điều bất thiện sẽ có nhiều tai ương. Đọc báo hàng ngày, chúng ta thấy những câu chuyện cha giết con, vợ giết chồng, người tình giết nhau… Bạo lực và hận thù là những câu chuyện mà nếu phóng viên bỏ lỡ sẽ được coi là không hoàn thành nhiệm vụ. Còn người đọc, nếu bỏ lỡ những câu chuyện này sẽ thành người tối cổ. Bạo lực và hận thù chính là điều mà chúng ta hàng ngày đang tích trữ cho tâm hồn mình trong nỗi sợ bị bỏ rơi. Và tai ương, như cổ nhân nói, cứ thế mà âm thầm xuất hiện trong dáng vẻ của những người bình thường ở quanh ta, trong dáng vẻ của những kẻ sát nhân không tín hiệu.